Để tăng sức hấp dẫn cho các không gian đi bộ, nhiều địa phương đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm, hoạt động cũng như có cơ chế thu hút các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư.
“Khoác áo mới” cho các tuyến phố
Tối 29-11 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình tổ chức hoạt động quảng bá du lịch đêm và khai trương sản phẩm du lịch Tuyến tàu điện số 6 tại không gian khu phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc – Ngũ Xã. Sự hình thành sản phẩm Tuyến tàu điện số 6 với phong cách tái hiện hình ảnh Hà Nội những năm bao cấp đã mang đến một sắc thái khác biệt, thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm. Loạt hoạt động gợi nhớ về một thời kỳ lịch sử của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã trải qua như: Trang trí tem phiếu bao cấp, chụp ảnh theo phong cách xưa, ẩm thực thời bao cấp… tạo nét riêng cho tuyến phố đi bộ này và trở thành điểm “check-in” được nhiều người tìm kiếm.
Là du khách tham gia trải nghiệm, chị Trần Thu Trang (quận Đống Đa) chia sẻ: “Các không gian về cuộc sống Hà Nội xưa được trang trí sinh động, đẹp mắt và rất ý nghĩa, giúp giới trẻ hiểu hơn về một thời gian khó đã qua”.
Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, việc hình thành Tuyến tàu điện số 6 là nỗ lực làm mới sản phẩm du lịch của chính quyền và nhân dân trên địa bàn nhằm phát huy không gian đi bộ thành không gian sáng tạo mới lạ.
Hiện nay, các không gian đi bộ trên địa bàn Hà Nội đang nỗ lực đổi mới để tạo dấu ấn riêng. Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) là điểm sáng về cách làm sáng tạo khi trở thành địa điểm tổ chức nhiều chương trình chất lượng như: Chương trình âm nhạc “Đoài Melody” trong chuỗi sự kiện Hanoi Concert của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; hoạt động “Trung thu Thành cổ – Sơn Tây xứ Đoài”…
Trong khi đó, phố đi bộ Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) thời gian gần đây thành địa điểm tổ chức nhiều sự kiện lớn như: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội ẩm thực Hà Nội. Còn không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cùng khu phố cổ Hà Nội trở thành không gian sáng tạo nghệ thuật của giới trẻ, thường xuyên tổ chức hoạt động nghệ thuật đường phố và là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của Thủ đô.
Cần cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư
Hiện nay, Hà Nội có 6 không gian đi bộ, gồm: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; khu phố cổ Hà Nội (Hàng Đào – Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu phố cổ Hà Nội); không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây; không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận; không gian khu phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc – Ngũ Xã; phố đi bộ Trịnh Công Sơn.
Do có ưu thế nhất định về địa lý, văn hóa, lịch sử, cảnh quan, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội và Thành cổ Sơn Tây có lượng khách lui tới thường xuyên, mỗi tối cuối tuần đón từ 1-2 vạn lượt khách. Trong khi đó, những không gian đi bộ còn lại thường xuyên rơi vào tình trạng vắng vẻ, đặt ra thách thức phải đổi mới, đầu tư.
Điển hình như không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn hoạt động không hiệu quả, quận Tây Hồ phải thu gọn quy mô tổ chức, từ “Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ” được chuyển thành “Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ”. Hiện nay, quận Tây Hồ đang xây dựng sản phẩm để tăng sức hút cho không gian đi bộ như: Lễ hội Sen Tây Hồ, khai trương Trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Tương tự, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) vào những tuần không tổ chức sự kiện, lễ hội, lượng khách lui tới rất ít.
Theo các chuyên gia, việc quản lý và duy trì hoạt động của các không gian đi bộ đang gặp không ít khó khăn vì liên quan đến nhân lực, môi trường, xây dựng sản phẩm, tổ chức sự kiện, hoạt động vui chơi giải trí để hút khách. Bài toán làm thế nào để tăng sức hút cho các không gian đi bộ một cách bền vững, lâu dài và thường xuyên không đơn giản.
Là người tham gia nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng cho các không gian sáng tạo của Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn góp ý, cần biến các không gian đi bộ thành không gian sáng tạo mang dấu ấn riêng về văn hóa của từng địa phương, tránh những hoạt động na ná nhau. Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Lê Thanh Thảo, cần có cơ chế thu hút các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư, tổ chức hoạt động thường xuyên trên các tuyến phố, trong đó ưu tiên hoạt động văn hóa, sáng tạo vì cộng đồng.
Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang phối hợp với các địa phương tổ chức những hoạt động văn hóa, du lịch tại các không gian đi bộ. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục cùng các địa phương đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tổ chức sản phẩm du lịch phù hợp, hỗ trợ kết nối tour để tăng hiệu quả hoạt động cho các không gian đi bộ của Hà Nội.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/cac-khong-gian-di-bo-o-thu-do-doi-moi-de-tang-suc-hut-686573.html