Chưa biết môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, nhiều học sinh Hà Nội “vật vã”, mệt mỏi vì phải học quá nhiều để chuẩn bị cho kỳ thi rất áp lực sắp tới.
Lớp 9 năm nay là lứa học sinh đầu tiên trải qua kỳ thi theo Chương trình mới. Thế nên, những thay đổi về kỳ thi tuyển sinh khiến các học sinh, phụ huynh vô cùng lo lắng.
Điều mà nhiều học sinh, phụ huynh thấp thỏm là “môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm” và thời gian công bố khá muộn (theo đề xuất của Bộ GD-ĐT là trước ngày 31/3 hàng năm). Việc lựa chọn “môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm” theo quan điểm của Bộ GD-ĐT là nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Từ đầu năm học lớp 9 đến giờ, gần như không có tối nào Diệu Nghi (lớp 9, trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, Đông Anh, Hà Nội) được ăn cơm trước 20g bởi kín lịch học thêm. Nhiều hôm, có quá nhiều bài tập, em phải vừa ăn tối vừa học bài. Diệu Nghi cho biết, môn thi thứ 3 khiến kỳ thi vào lớp 10 của các em nhân đôi áp lực.
“Do không biết môn thi thứ 3 là môn gì nên việc học của chúng em rất nặng. Ngoài việc tập trung học 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ đã mất rất nhiều thời gian thì nhiều bạn phải đi học thêm Lý, Hoá hoặc Sinh. Bản thân em cũng phải học thêm Hoá buổi tối vì sợ môn thứ 3 sẽ rơi vào môn này. Những học sinh lớp 9 như em rất căng thẳng, lo lắng. Nếu môn thi thứ 3 là Khoa học Tự nhiên thì những học sinh thiên về khối Xã hội sẽ “trở tay không kịp”, bởi kiến thức của các môn Khoa học Tự nhiên rất khó. Nếu môn thi thứ 3 là Khoa học xã hội thì kiến thức rất rộng, phải học thuộc rất nhiều. Đa phần chúng em mong môn thi thứ 3 là môn Ngoại ngữ”, Diệu Nghi cho biết.
Là năm đầu tiên thi theo chương trình mới nên những học sinh lớp 9 năm nay còn phải chịu áp lực rất lớn vì “không biết luyện đề kiểu gì”. “Ngoài bộ sách Cánh Diều học ở trường, chúng em còn phải học thêm kiến thức ở bộ sách Kết nối, Chân trời sáng tạo vì không biết đề thi sẽ ra kiến thức ở bộ sách nào. Như những năm trước đây, học sinh có thể lấy đề thi cũ để luyện thì với năm học này, chúng em không thể làm vậy. Các thầy cô giáo rất vất vả khi luôn phải tạo ra các đề thi mới cho học sinh làm. Tháng nào chúng em cũng phải làm bài thi khảo sát. Chưa xong kỳ thi này thì đã chuẩn bị sang kỳ thi tiếp. Các kỳ thi liên tục, nối tiếp khiến chúng em luôn ở trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Em mong muốn môn thi thứ 3 được công bố sớm để chúng em học tập trung chứ không bị dàn trải mà thiếu hiệu quả như bây giờ. Em thấy môn thi thứ 3 không giúp học sinh phát triển toàn diện mà khiến học sinh chịu nhiều áp lực hơn”, Diệu Nghi mệt mỏi nói.
Giống như nhiều phụ huynh có con sinh năm 2010, chị Nguyễn Minh Loan (Q.Đống Đa, Hà Nội) cũng rất lo lắng về “môn thi thứ 3”. “Thay đổi môn thi thứ 3 qua các năm chỉ tạo áp lực cho học sinh lớp 9 phải tăng môn ôn thi, tăng đi luyện đề. Chúng ta đừng mong tất cả các con đều học được tốt tất cả các môn. Việc học của các con hiện nay đã rất áp lực. Nếu dàn trải ra tất cả các môn thì chất lượng sẽ không tốt. Ai cũng chỉ có thế mạnh ở những mặt nhất định. Nếu Bộ GD-ĐT muốn các con học đều thì nên lấy điểm số của tất cả các môn làm tiêu chí xét tốt nghiệp THCS, còn việc tuyển chọn vào THPT thì cần có chuyên sâu thì mới có chất lượng đầu vào tốt được. Tôi mong, Sở GD-ĐT Hà Nội nên quyết 3 môn cố định là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ cho kỳ thi vào lớp 10. Môn thi thứ 3 là Ngoại ngữ sẽ phù hợp xu thế chung trong điều kiện hội nhập quốc tế”, chị Minh Loan chia sẻ.
Không chỉ băn khoăn việc môn thi thứ 3 thay đổi hàng năm, điều mà nhiều phụ huynh cảm thấy sốt ruột là môn thi thứ 3 được công bố quá muộn, càng gây áp lực học cho học sinh. “Môn thi thứ 3 nên thông báo ngay đầu năm học của lớp 9 để cả cô và trò có hướng học tập, ôn thi hiệu quả, không bị áp lực quá lớn. Như vậy, vừa đảm bảo vẫn có 3 năm học các em học bình thường, tiếp thu tương đối lượng kiến thức của các môn học. Còn đến năm cuối là năm nước rút để chuẩn bị bước vào kỳ thi thì không thể ép các em học tốt hết các môn. Trước 2 tháng mới báo môn thi thứ 3 khiến việc “chạy nước rút” của các em rất mệt mỏi, nhất là với những thí sinh không có thế mạnh ở môn thi đó”, chị Vũ Thúy Hà (Q. Hà Đông, Hà Nội) bức xúc cho biết.