Từ đầu năm học 2024 – 2025, hiệu trưởng Trường THCS Trực Thuận, huyện Trực Ninh, Nam Định đã ra thông báo về quy tắc ứng xử văn hóa của học sinh trong trường đối với thầy cô giáo, bạn bè, gia đình.
Không lôi khiếm khuyết của bạn ra để gọi tên
Theo đó, Trường THCS Trực Thuận quy định giữa các học sinh ứng xử trong xưng hô phải đảm bảo thân mật, cởi mở, trong sáng, không cầu kỳ, kiểu cách.
Không gọi nhau bằng những từ chỉ dành để gọi những người tôn kính như ông, bà, cha, mẹ; không gọi nhau bằng những từ chỉ quan hệ vợ chồng như “con vợ, thằng chồng, ông xã, bà xã”; không gọi nhau bằng những từ ngữ phim ảnh, giang hồ (đại ca, sư tỉ…).
Đặc biệt, học sinh không gọi tên bạn gắn với tên cha mẹ, ông bà hay những khiếm khuyết về ngoại hình, đặc điểm về tính nết của người khác. Phải xưng hô với bạn bè trong trường là bạn hay xưng tên mình.
Thực tế, đã có những học sinh do có khiếm khuyết trên cơ thể bị bạn bè lôi ra lấy làm biệt danh, từ đó mang trong mình tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp…
Khi ứng xử thăm hỏi bạn bè, nhà trường yêu cầu học sinh phải đảm bảo chân thành tế nhị, không che giấu khuyết điểm của nhau, không xa lánh, coi thường người bị bệnh, tàn tật hoặc người có hoàn cảnh khó khăn…
Đối với thầy giáo, cô giáo, nhân viên nhà trường và khách đến trường, nhà trường quy định học sinh ứng xử khi hỏi và trả lời đảm bảo tôn ti trật tự trên dưới, câu hỏi và trả lời ngắn gọn, rõ ràng, có dạ thưa lịch sự, phù hợp đúng với môi trường sư phạm.
Ngôn ngữ hỏi, trả lời phải có chủ ngữ, thể hiện sự lễ phép, như “em chào cô, em chào thầy, thưa thầy, thưa cô, thưa bác (đúng theo vai vế phù hợp với lứa tuổi)…
Khi làm phiền nên nói “em thưa thầy, thưa cô cho em làm phiền một chút; thưa bác, thưa chú cho cháu làm phiền một chút…” với thái độ cần thiết tới sự giúp đỡ của thầy, cô.
Khi mắc lỗi thì lựa chọn thời điểm phù hợp để xin lỗi, tránh lúc đông người hay đang giờ làm việc, giờ lên lớp. Lời xin lỗi phải thể hiện sự chân thành, thực sự biết lỗi và muốn sửa lỗi, như “em xin lỗi thầy, cô, em biết mình đã sai”.
Không sử dụng mạng xã hội để nói xấu người khác
Tại Bắc Ninh, Trường THCS Lãng Ngâm (huyện Gia Bình) cũng quy định học sinh phải tôn trọng sự khác biệt của người khác, không gọi tên bạn bè gắn với những khiếm khuyết ngoại hình hoặc đặc điểm cá biệt về tính nết.
Đồng thời yêu cầu học sinh không xa lánh, coi thường người bị bệnh, tàn tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Khi chúc mừng bạn đảm bảo vui vẻ, thân tình, không cầu kỳ, không gây khó xử. Không kỳ thị, phân biệt tôn giáo, thành phần gia đình.
Trong khi giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn đảm bảo từ tốn, có lý có tình, không kiêu căng, thách thức, hiếu thắng; biết lắng nghe tích cực và góp ý mang tính xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết.
Trước đó, Trường tiểu học Tiền Phong, huyện Yên Dũng, Bắc Giang cũng ra quy tắc ứng xử giữa học sinh với học sinh, trong đó nhà trường quy định học sinh không sử dụng mạng Internet, mạng xã hội để nói xấu, tuyên truyền nhằm bôi nhọ, kích động hận thù đối với người khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 06/2019, quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo đó, các thủ trưởng có thể dựa vào những quy định tại thông tư này để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục.
Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội dung bộ quy tắc ứng xử phải được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong cơ sở giáo dục.