“Nhịp đập” di sản
Chưa bao giờ “nhịp đập” của di sản được cảm nhận rõ nét như tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Lần đầu tiên, các công trình kiến trúc như Bắc Bộ phủ, Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) mở cửa đón khách tham quan với tư cách là một di sản kiến trúc, đồng thời kết nối với nhau tạo thành chương trình tour nhiều điểm nhấn. Những đoàn khách đủ mọi lứa tuổi trật tự xếp hàng chờ tới lượt tham quan là cảnh tượng hiếm gặp ở các di tích từ trước tới nay.
Cung Thiếu nhi Hà Nội – nơi ươm mầm nhiều tài năng nghệ thuật của bao thế hệ, sau thời gian “ngủ yên” đã “thức giấc” nhờ được đội ngũ giám tuyển trẻ thiết lập những không gian mới dựa trên những ký ức xưa cũ. Nơi đây đã trở thành một dự án nghệ thuật tại chỗ (site-specific) đóng góp nhiều hoạt động cho Lễ hội, bao gồm các triển lãm trong và ngoài khuôn viên, chiếu phim, biểu diễn âm nhạc, trình diễn và đề án kiến trúc… Việc làm mới các không gian cũ khẳng định sự sáng tạo không giới hạn của giới nghệ sĩ, KTS với tư duy phá cách, những sắp đặt độc đáo làm nổi bật giá trị của di sản.
Tại lễ hội lần này, nguồn năng lượng sáng tạo không chỉ được thể hiện qua các trưng bày triển lãm, tác phẩm sắp đặt mà còn được thể hiện qua các sản phẩm kế thừa giá trị văn hóa dân gian của đội ngũ sáng tạo trẻ. Ngắm hàng nghìn bạn trẻ mặc cổ phục rực rỡ trong cuộc diễu hành “Bách Hoa Khánh Hội – Bách Hoa Bộ Hành” qua các tuyến phố di sản, người ta thấy được tâm huyết đối với văn hóa truyền thống của thế hệ gen Y, gen Z. 10 năm qua, những nhà thiết kế trẻ như Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Vũ Đức – những người khởi xướng dự án Bách Hoa Bộ Hành… đã âm thầm nghiên cứu, phục dựng Việt phục gồm: Áo Nhật bình, Giao lĩnh, tứ thân, ngũ thân, tạo nên một phong trào mặc cổ phục rộng rãi trong giới trẻ. Không chỉ khoác lên mình những bộ cổ phục mang đậm tính văn hóa, lịch sử, người trẻ còn được “khoác” lên mình niềm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc.
Quay về với truyền thống là sự tìm về với những giá trị tinh hoa cốt lõi, sử dụng vốn văn hóa của dân tộc để khẳng định mình và bước chân ra thế giới. Trần Đức Minh – đồng sáng lập, Giám đốc sáng tạo của Direction, một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế và tư vấn giải pháp sáng tạo về thị giác, được nhiều người biết tới vì đã sử dụng chất liệu dân gian một cách tinh tế và hiện đại vào sản phẩm. Với Trần Đức Minh, việc sử dụng kho tàng chất liệu dân gian trong thiết kế bao bì sản phẩm là cách kể câu chuyện văn hóa và “gu” cá nhân để truyền tải những giá trị, thông điệp của thương hiệu một cách hiệu quả. Từ đó góp phần nâng tầm giá trị cho những thương hiệu Việt và “kích hoạt” cơ hội phát triển kinh tế sáng tạo.
Và còn rất nhiều người trẻ khác đang tìm về với vốn cổ của ông cha, “kích hoạt” nguồn lực văn hóa truyền thống để ứng dụng vào sản phẩm của mình như Lê Hồng Kỳ với Chạm Dó, CEO Nguyễn Trung Thành với dự án Ngàn năm gốm Việt, Nguyễn Đức Lộc với dự án Ỷ Vân Hiên hay Nguyễn Quốc Hoàng Anh – Nhà sáng lập Lên Ngàn… Những nhà sáng tạo trẻ này đã biết tận dụng nguồn vốn văn hóa dân tộc để tạo nên những sản phẩm công nghiệp hóa mang dấu ấn, phong cách riêng và trở thành những đại diện tiêu biểu của thế hệ mình.
Nâng tầm thương hiệu Thành phố sáng tạo
Trong 110 hoạt động trưng bày, triển lãm tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, tinh thần sáng tạo của các nghệ sĩ đã được lan tỏa mạnh mẽ và phần lớn đều bắt nguồn từ nền tảng di sản. Để văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô, theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cần có sự đột phá trong tư duy phát triển cũng như cơ chế, chính sách.
“Trong những năm qua, Hà Nội đã có những thay đổi nhất định về cơ chế, chính sách khai mở cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo, tuy nhiên sự thay đổi vẫn chưa đủ. Điều đó đòi hỏi Hà Nội phải tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp hợp lý nhất nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” trong bối cảnh kinh tế – xã hội mới” – PGS.TS Phạm Thị Thu Hương chia sẻ.
Không đơn thuần là một sự kiện văn hóa, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản, thúc đẩy gắn kết cộng đồng và tạo động lực cho phát triển đô thị theo hướng bền vững. Lễ hội năm nay được đánh giá có tính hòa nhập cao khi cộng đồng người khuyết tật và các nhóm yếu thế trong xã hội đã tích cực tham gia với vai trò là những nhà sáng tạo chuyên nghiệp. Tại đây, họ chia sẻ quan điểm của mình với tư cách là công dân của một thành phố sáng tạo. Điều đó cũng chứng minh rằng, sáng tạo là một công cụ hữu ích cho sự phát triển bền vững và hòa nhập của một thành phố năng động và phát triển.
Thành công của Lễ hội năm nay được thể hiện qua sự góp mặt của hơn 500 đơn vị, hơn 1.000 nhà sáng tạo, trong đó có nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã thành danh cả ở trong và ngoài nước. Con số này vượt xa so với 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ tham gia mùa lễ hội năm 2023. Số lượng khách cũng tăng vọt so với những năm trước. Nếu như các năm 2021 – 2022, lượng khách tới với lễ hội chỉ dừng ở mức vài nghìn lượt thì đến năm 2024 đã tăng lên hơn 300 nghìn lượt khách. Lý giải cho sự thành công và sức ảnh hưởng lớn của sự kiện này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, đó là do 3 yếu tố nội tại gồm: Chất lượng hoạt động, chất lượng vận hành lễ hội cùng tâm huyết của cộng đồng sáng tạo. Cùng với đó là sự cởi mở, hỗ trợ toàn diện và chủ động hợp tác liên ngành của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội cũng gặp không ít khó khăn về nguồn lực kinh tế, dẫn đến nhiều ý tưởng không phát huy được hết sức sáng tạo mà chỉ dừng ở mức hoàn thiện tiêu chuẩn. “Nếu có thêm nguồn lực về kinh tế, chắc chắn đội ngũ sáng tạo sẽ xây dựng được những hoạt động hấp dẫn hơn. Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến việc tiếp cận nền kinh tế sáng tạo, đưa Hà Nội trở thành một trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới” – ông Đỗ Đình Hồng nói.
Đồng quan điểm, Giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn cho rằng, lễ hội năm nay đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ những năm trước để có thêm nhiều điểm “chạm” tới công chúng bằng những cách tiếp cận khác nhau. Ông Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Mùa lễ hội năm nay đã bắt đầu thấy bóng dáng của các sự kiện ở tầm quốc tế. Cần thúc đẩy cơ hội này để Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo trong khu vực và thế giới với những sự kiện đẳng cấp để thu hút khách quốc tế đến, qua đó có thêm nguồn thu”.
Để hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một Thành phố sáng tạo ở tầm khu vực và thế giới thì còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, không lâu nữa, Hà Nội sẽ đưa Trung tâm điều phối sáng tạo vào hoạt động, từ đó “tiếp nhận các đơn đặt hàng” từ chính các đơn vị trong thành phố. Trung tâm này được vận hành chuyên nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể hóa các chính sách nhằm hỗ trợ các nhà sáng tạo có điều kiện phát triển tốt nhất, đề xuất khai thác không gian di sản để tổ chức các hoạt động văn hóa sáng tạo; hỗ trợ truyền thông, quảng bá để đưa hoạt động sáng tạo tới công chúng… Cùng với những nguồn lực sẵn có, Trung tâm điều phối sáng tạo cùng với Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội sẽ là những “bệ phóng” đưa Thành phố sáng tạo Hà Nội lên một tầm cao mới.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/dua-thanh-pho-sang-tao-ha-noi-len-mot-tam-cao-moi-co-hoi-vang-cho-cac-nguon-luc-toa-sang-686032.html