Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư 48 yêu cầu các ngân hàng khi nhận tiền gửi không được khuyến mãi dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.
Lãi suất huy động đồng loạt tăng
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, từ đầu tháng 11 hàng loạt ngân hàng như LPBank, Nam A Bank, IVB, VietABank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank, VietBank… tăng lãi suất huy động. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã lên tới 5,95%/năm, kỳ hạn 13 tháng vượt 6%/năm. Mức lãi suất huy động trên 6%/năm với kỳ hạn dài đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng.
Đáng chú ý, Agribank sau thời gian dài duy trì lãi suất huy động ở mức thấp đã tăng lãi suất kể từ ngày 15-11 với mức tăng trung bình từ 0,2 – 0,3%. Theo đó, kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng là 3,5%/năm và 4,7%/năm. Lãi suất cao nhất 4,8%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng.
Ở Nam A Bank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy tăng thêm 0,2% lên 6%/năm đối với số tiền gửi từ 500 tỉ đồng, kỳ hạn 24 tháng. Còn với khoản tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, Nam A Bank tăng mạnh lãi suất lên tới 0,7%. Hiện kỳ hạn 36 tháng có mức lãi suất cao nhất là 5,9%/năm; còn 1-2 tháng là 4,5%/năm; 3 tháng là 4,75%/năm; 10 tháng là 5,3%/năm.
Thậm chí tùy theo đối tượng khách hàng, mỗi ngân hàng có chính sách khác nhau. Như tại VPBank, khách hàng ưu tiên được tặng 0,1% lãi suất; nếu khách gửi món tiền trên 300 triệu đồng, VPBank cộng thêm lãi suất 0,5% nữa.
Cộng lãi suất, tặng quà cho khách gửi tiền
Thời gian gần đây, các ngân hàng đang tăng cường cạnh tranh thu hút tiền gửi không chỉ bằng lãi suất mà còn bằng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Điển hình như SHB đã tổ chức quay số may mắn tặng sổ tiết kiệm cho khách hàng. Nhiều ngân hàng khác cũng tặng các phần quà như dù, áo mưa, ly giữ nhiệt để thu hút người gửi tiền.
Trước làn sóng tăng lãi suất, khách hàng đang có xu hướng “mặc cả” lãi suất kỳ hạn dài hoặc chuyển sang ngân hàng khác có ưu đãi tốt hơn.
Bà N.T.H. ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa tất toán sổ tiết kiệm 500 triệu đồng để chuyển sang gửi kỳ hạn 12 tháng thay vì 6 tháng như trước, với mức lãi suất 5,9%/năm nhờ được cộng thêm 0,5% cho khoản tiền gửi trên 300 triệu.
Trong khi đó, ông T.M.D. ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) lại lựa chọn gửi ngắn hạn 1 tháng cho khoản tiền 1,2 tỉ đồng, dự định sẽ gửi dài hạn vào dịp gần Tết khi lãi suất thường cao hơn. Ông cũng chuyển sang ngân hàng khác vì được tặng bình nước và có cơ hội trúng sổ tiết kiệm 300 triệu đồng khi tham gia quay số.
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định nhu cầu vốn lớn của doanh nghiệp vào dịp cuối năm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động. Xu hướng này có thể tiếp tục từ nay đến cuối năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 8 tổng tiền gửi của người dân vào ngân hàng đã đạt mức kỷ lục 6.924.889 tỉ đồng.
Có cấm ngân hàng khuyến mãi?
Những ngày gần đây, nhiều người xôn xao khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư 48 quy định các ngân hàng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mãi dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.
Nhiều người thắc mắc điều này có đồng nghĩa với việc ngân hàng không được khuyến mãi cho người gửi tiền?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết Ngân hàng Nhà nước không cấm các ngân hàng khuyến mãi cho người gửi tiền, chỉ cấm khuyến mãi “không đúng với quy định của pháp luật”, tức là khuyến mãi vượt trần.
Hiện nay trần lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn dưới 6 tháng. Mức trần này do thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng hiện ở mức 0,5%/năm; với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô ở mức 5,25%/năm.
Còn lãi suất huy động có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
Như vậy nếu khuyến mãi, ngân hàng phải đảm bảo khi cộng lãi suất và quà khuyến mãi sẽ không vượt qua mức trần quy định.
Vì sao ngân hàng tăng lãi suất?
Theo thông tin từ Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tín dụng đến cuối tháng 10-2024 đã tăng 10% so với cuối năm 2023. Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng được yêu cầu đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Các chuyên gia đánh giá việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng là cần thiết vì hai lý do chính.
Thứ nhất, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng cao vào dịp cuối năm. Thứ hai, diễn biến tăng mạnh của tỉ giá và giá vàng gần đây đã khiến người dân có xu hướng chuyển một phần vốn sang các kênh đầu tư này.
Do đó các ngân hàng buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiết kiệm, chứ không phải nhằm thay đổi chính sách tiền tệ.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, phó thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc các phương án về lãi suất điều hành trong thời gian tới, có thể giữ nguyên hoặc tiếp tục giảm tùy thuộc vào các yếu tố như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nhiều giải pháp tích cực như tiết giảm chi phí, rà soát và miễn giảm các loại phí không cần thiết.
Bên cạnh đó, các ngân hàng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục cho vay và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cho vay nhằm góp phần giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng.