Tin mới y tế ngày 23/11: Phát triển dược liệu cho đồng bào dân tộc thiểu số
Dù có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng đến nay diện tích, năng suất và sản lượng cây dược liệu sản xuất trong nước còn rất hạn chế; chưa thu hút được các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu.
Kết nối giao thương phát triển dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế ) đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương phát triển dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dù có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng đến nay diện tích, năng suất và sản lượng cây dược liệu sản xuất trong nước còn rất hạn chế; chưa thu hút được các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu. |
Hội nghị mở ra cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo TS.Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Việt Nam được cho là 1 trong 15 nước có tiềm năng lớn về nguồn dược liệu.
Để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Việt Nam đã nuôi trồng khoảng 80 loài/nhóm loài cây dược liệu. Nhiều địa phương đã xây dựng mô hình trồng các loài thuốc để tạo nguồn nguyên liệu tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa như: vùng trồng cây quế tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Lạng Sơn (tổng diện tích 151.000 ha); vùng trồng cây hồi tại tỉnh Lạng Sơn (diện tích 41.000 ha)…
Tuy nhiên, các loại dược liệu chủ yếu được trồng bởi đồng bào dân tộc miền núi kết cấu hạ tầng còn thiếu, khó hình thành vùng sản xuất tập trung, không có quy trình quản lý, kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến độ an toàn và chất lượng dược liệu…
Nhiều doanh nghiệp và địa phương vẫn đang phát triển các vùng sản xuất dược liệu mang tính tự phát, phong trào, cục bộ, chưa theo quy hoạch tổng thể. Vậy nên, sản lượng và chất lượng dược liệu không ổn định dẫn tới chất lượng sản phẩm không ổn định.
Đồng thời, việc truy xuất nguồn gốc – yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng và độ an toàn, khẳng định thương hiệu của dược liệu chưa được nhiều cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu quan tâm.
Vậy nên, dù có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng đến nay diện tích, năng suất và sản lượng cây dược liệu sản xuất trong nước còn rất hạn chế; chưa thu hút được các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu cũng như đầu tư hạ tầng.
Đối với lĩnh vực dược liệu, việc hình thành chuỗi giá trị là rất quan trọng. Đây là sự kết nối giữa việc nuôi trồng, thu hoạch dược liệu, xây dựng cơ chế hợp tác, gắn bó giữa nông dân, nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp trong chuyển giao giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái và thu mua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu.
dViệc hình thành chuỗi giá trị cũng hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững như xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường…
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền hy vọng rằng, hội nghị sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp có thêm cơ hội giao lưu kết nối để tạo ra vùng trồng dược liệu phát triển bền vững.
Hà Nội: Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 6,8%
Sở Y tế vừa có Văn bản 453/BC-SYT báo cáo UBND TP.Hà Nội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tháng 11, nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 năm 2024.
Trong tháng 11, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố được kiểm soát tốt. Ngành Y tế duy trì hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm bằng cách theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và Hà Nội, đề xuất các biện pháp phòng chống dịch kịp thời; điều tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc hoặc mắc dịch bệnh truyền nhiễm phức tạp và có yếu tố nguy cơ.
Về công tác tiêm chủng, khoảng 96.000 trẻ sinh ra trong năm (92%) được quản lý trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia.
Các chỉ tiêu về công tác tiêm chủng của thành phố giao đều đạt tiến độ, cùng với đó chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi đã được triển khai thành công.
Số nhiễm HIV mới được phát hiện từ đầu năm đến nay là 340 người, chủ yếu là nam giới (84,1%), phân bố chủ yếu trong nhóm tuổi từ 25-49 (58,2%) và nhóm 15-24 tuổi (22,1%), nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 24,8%, các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác như nhóm vợ chồng, bạn tình và thành viên khác trong gia đình của người nhiễm HIV chiếm 7,4%.
Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS vẫn được duy trì như tư vấn xét nghiệm, điều trị nghiện chất, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)…
Các hoạt động giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đều đạt chỉ tiêu thành phố giao; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 6,8% (kế hoạch 6,9%); thể thấp còi là 10,1% (kế hoạch 10,3%); tỷ lệ thừa cân, béo phì được duy trì ở mức 1,2% (kế hoạch
Các chỉ tiêu về công tác dân số có 87,95% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 85,74%; sàng lọc sơ sinh đạt 86,55%; số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai là hơn 438.000 người.
Trong tháng 11, công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã kiểm tra 66 cơ sở, trong đó có 04 cơ sở kiểm tra đột xuất; 40 mẫu bao bì thực phẩm đã được lấy trong các đợt kiểm tra định kỳ để kiểm nghiệm.
Sở Y tế cũng tham gia đoàn kiểm tra liên ngành Chương trình sức khỏe học đường và an toàn thực phẩm trong trường học tại 11 bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn quận, huyện Đan Phượng, Thanh Trì, Hà Đông, Nam Từ Liêm và truy suất nguồn gốc tại 4 cơ sở cung cấp rau, thịt, giò chả cho các bếp ăn tập thể trường học. Đồng thời, hậu kiểm 20 cơ sở dụng cụ vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm, lấy 12 mẫu để xét nghiệm.
Trong tháng 12/2024, các hoạt động phòng chống dịch bệnh vẫn được ngành y tế Hà Nội tiếp tục triển khai.
Ngành Y tế phối hợp với UBND các quận, huyện chỉ đạo các TTYT triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi trong tiêm chủng thường xuyên.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu 90-90-98 trong phòng chống HIV/AIDS; hoàn thành các chỉ tiêu về công tác dân số; đảm bảo an toàn thực phẩm; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước, triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 2 năm 2024.
Cảnh báo phình tách động mạch chủ ngực không có triệu chứng
Nam bệnh nhân N.V.X. (48 tuổi, Hà Nội) tới Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ thăm khám với lý do đau bàn chân trái. Vị trí đau được mô tả tại gan bàn chân gần ngón 1, cơn đau diễn biến khoảng 3 ngày nay, đau tăng khi đi lại. Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp một năm nay chưa điều trị gì.
Với sự nhạy bén trong chẩn đoán, sau khi thăm khám chuyên khoa Cơ xương khớp, các bác sỹ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cần thiết khác, trong đó có phương pháp siêu âm tim và siêu âm động mạch thận, do bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp chưa điều trị.
Trên hình ảnh siêu âm tim phát hiện tình trạng phình tách động mạch chủ lên từ đoạn gốc động mạch chủ. Kết quả siêu âm thận cho thấy tình trạng tăng trở kháng động mạch thận gốc và động mạch nhu mô thận hai bên. Ngoài ra, trên phim chụp X-quang tim phổi phát hiện giãn cung động mạch chủ.
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc phình tách động mạch chủ Stanford A trên nền tăng huyết áp. Anh X. được tư vấn chuyển bệnh viện tuyến trên để điều trị.
Sau khi thực hiện phẫu thuật Bentall (thay van động mạch chủ, thay gốc động mạch chủ bằng van cơ học và ống ghép, cắm lại hai động mạch vành), hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, kiểm soát tốt huyết áp.
Bệnh lý phình tách thành động mạch chủ cấp – 90% tử vong nếu không điều trị kịp thời
Bệnh phình tách động mạch chủ là tình trạng rách lớp nội mạc và lớp trung mạc của động mạch chủ, máu len giữa các lớp động mạch và bóc tách chúng tạo nên lòng giả động mạch.
Với áp lực dòng máu, các lớp động mạch sẽ tiếp tục bóc tách dọc theo động mạch và chúng có thể tiếp tục làm rách lớp nội mạc động mạch, vỡ mạch, gây thiếu máu đến tổ chức mà nhánh của động mạch nuôi dưỡng do mảng thành mạch bị tách ra lấp kín.
Thông thường, phình tách động mạch chủ là bệnh lý có triệu chứng lâm sàng rầm rộ, đặc biệt là phình tách động mạch chủ Stanford A. Bệnh nhân thường có biểu hiện đau ngực dữ dội, đột ngột, lan theo đường đi của đoạn động mạch bị lóc tách khiến cho bệnh nhân phải đến viện trong tình trạng cấp cứu. Tỷ lệ tử vong với bệnh nhân mắc phình tách động mạch chủ Stanford A lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, ở bệnh nhân N.V.X. không có bất kỳ một triệu chứng đặc biệt nào, dù đã được các bác sỹ chẩn đoán xác định có phình tách động mạch chủ.
Ca bệnh là trường hợp rất hiếm mắc chứng phình tách động mạch chủ mạn tính. Như vậy, nếu không được chẩn đoán, tình trạng bệnh có thể nặng lên bất cứ lúc nào, dẫn đến những hậu quả khôn lường.