Tuy nhiên, những “điểm nghẽn” về thể chế, hạ tầng công nghệ, nguồn lực con người và tài chính đang cản trở quá trình triển khai. Đây là nội dung được phản ánh tại Hội nghị giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội, do Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Hà Nội phối hợp tổ chức chiều 21-11.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 thành phố Hà Nội và Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ chủ trì hội nghị.
Hoàn thành 12/19 nhiệm vụ
Trình bày báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội 11 tháng năm 2024, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: Có 46/64 nhiệm vụ của Đề án đã hoàn thành; 18 nhiệm vụ còn lại cơ bản đang triển khai thực hiện thường xuyên, định kỳ.
Riêng đối với 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 Tổ công tác Chính phủ giao, thành phố đã hoàn thành 12 nhiệm vụ; 1 nhiệm vụ đã hoàn thành giai đoạn 1, hiện đang triển khai giai đoạn 2; 6 nhiệm vụ đang triển khai (trong đó 3 nhiệm vụ có nguy cơ chưa hoàn thành trong năm 2024).
Qua hơn 4 tháng triển khai chính thức ứng dụng “Công dân Thủ đô số” – iHaNoi (tính từ ngày 28-6 đến 31-10-2024, tổng số người dùng đăng ký tài khoản ứng dụng đạt 1.043.724). Đã tiếp nhận 17.083 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Trong đó có 14.398 phản ánh, kiến nghị đã được xử lý, chiếm 84,3%. Có 7.194 phản ánh được đánh giá từ người dân, số lượng đánh giá hài lòng và chấp nhận chiếm 55%.
Một điểm nhấn rất mới, có thể coi là đột phá là việc tích hợp VNeID lên iHanoi, giúp đăng nhập iHanoi bằng tài khoản VNeID. Từ ngày 11-11-2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Đây được coi là bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.
Hà Nội cũng đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố và là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Đã kết nối chính thức Hệ thống hồ sơ sức khỏe thành phố vào mạng số liệu chuyên dùng CPNet và chính thức thực hiện kết nối Hệ thống hồ sơ sức khỏe thành phố với cơ sở dữ liệu dân cư để xác minh, làm sạch dữ liệu người dân: Đến thời điểm hiện tại đã xác minh được hơn 6,3 triệu người dân trên toàn thành phố.
Đến nay, tổng số hồ sơ đúng đã được các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố liên thông là 4.524.134 hồ sơ. Trong đó, các bệnh viện bộ, ngành trên địa bàn thành phố: 1.677.558 hồ sơ; các bệnh viện công lập trực thuộc thành phố: 2.846.576 hồ sơ. Số lượng người dân Thủ đô có Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID là 1.760.822, đạt 25,57%.
Tính đến ngày 15-11-2024, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 107.056 hồ sơ đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trong đó, qua hệ thống dịch vụ công là 27.102 hồ sơ, qua VNeID: 79.954 hồ sơ. Tỷ lệ đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID chiếm 74,68% tổng số hồ sơ tiếp nhận.
Về nhóm phát triển Công dân số, Kinh tế số, Xã hội số, kết quả triển khai thí điểm Học bạ số các trường tiểu học, đạt tỷ lệ 97,6%. Với kết quả này, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai Học bạ số cấp tiểu học.
Tính đến ngày 15-11-2024, theo kết quả báo cáo của các công ty cung ứng dịch vụ, đã có tổng số 360 bãi, điểm trông giữ phương tiện giao thông đang triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt thuộc 17/30 quận, huyện. Trong đó VETC có 186 điểm; Viettel CN Hanoi có 144 điểm; VDTC (thuộc Viettel) có 30 điểm.
“Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 4-10-2024, HĐND thành phố đã thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ Hành chính công. Trung tâm sẽ vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung”, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết.
Về triển khai số hóa hộ tịch, qua thống kê sơ bộ, toàn thành phố có hơn 8,1 triệu việc hộ tịch cần số hóa. Sở Tư pháp và các quận, huyện, thị xã đã số hóa, cập nhật vào phần mềm hộ tịch 158 của Bộ Tư pháp hơn 7,239 triệu việc hộ tịch, tất cả các trang sổ hộ tịch đã được scan (quét thành file PDF) lưu trữ vĩnh viễn.
Đối với việc liên thông Văn phòng Đăng ký đất đai – Cơ quan thuế, thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia: Đến ngày 9-11-2024, Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai đã giải quyết và thực hiện thanh toán trực tuyến được hơn 3.100 hồ sơ đạt tỷ lệ thanh toán 80% tương ứng với số tiền thu được hơn 74 tỷ đồng.
9 nhiệm vụ còn gặp khó khăn, vướng mắc
Theo Ban Chỉ đạo, thành phố có 9 nhiệm vụ còn gặp khó khăn, vướng mắc, liên quan tới các nhiệm vụ: Triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử; số hóa hộ tịch; cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; thu thuế khoán hộ kinh doanh, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; hạ tầng triển khai Đề án 06, chuyển đổi số; thí điểm làm sạch dữ liệu về đất đai tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thí điểm học bạ số cấp tiểu học; chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; triển khai Nghị định số 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ về 2 dịch vụ công liên thông.
Các đơn vị chủ trì đã nêu một số đề xuất, kiến nghị như: Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hướng dẫn triển khai học bạ số cấp THCS và THPT (trong trường hợp chưa có hướng dẫn xem xét việc thành phố có chủ động thực hiện trước như đối với học bạ số cấp tiểu học); Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các cơ sở y tế về chuyên môn khám, chữa bệnh khi áp dụng Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID…
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, thực tế triển khai cho thấy còn vướng về phần mềm, nhiều trường dữ liệu thay đổi (ví như lưu giữ nguồn gốc đất nhiều thời kỳ), đòi hỏi vừa làm sạch dữ liệu vừa kết hợp chuẩn hóa dữ liệu nên có nhiều khó khăn.
Hà Nội tiên phong, đi đầu trong công tác chuyển đổi số
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ đánh giá cao kết quả Hà Nội đã đạt được trong triển khai thực hiện 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Qua đó mang lại những giá trị thực sự về quyền lợi của người dân, góp phần quan trọng tạo nguồn hứng khởi cho các địa phương khác, đồng thời giúp cho Tổ công tác kiểm chứng được những những việc đã làm và định hướng bước đi cho thời gian tới. Từ đó, từng bước hình thành thói quen cho nhân dân tham gia vào xã hội số.
Dẫn chứng những thủ tục hành chính phải thực hiện trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy về giao thông, thời gian, chi phí đi lại…, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho rằng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Việc này cũng cần triển khai sớm nếu không sẽ mất cơ hội toàn cầu hóa.
Đồng chí lưu ý, các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Với các nhiệm vụ còn dở dang cần gấp rút hoàn thành. Cho rằng “điểm nghẽn” lớn nhất là về mặt nhận thức, đồng chí đề nghị, tăng cường chỉ đạo, thống nhất thực hiện. Người đứng đầu tiên phong, gương mẫu đi đầu trong công tác chuyển đổi số.
Đối với những tồn tại và khó khăn vướng mắc, đã được các bộ trao đổi, đồng chí đề nghị các bộ, ngành cần tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội và quan tâm tháo gỡ.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long bày tỏ tin tưởng, Hà Nội sẽ phát huy những kết quả thành tích đạt được, tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong công tác chuyển đổi số.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, thực tế vẫn nhiều nơi chưa thay đổi tư duy thực hiện quy trình phổ thông, gây lãng phí và không hiệu quả, cần chuẩn hóa để phù hợp với chuẩn mực chung của thế giới. Đồng chí đề nghị, đối với 12 nhiệm vụ đã thực hiện được cần lượng hóa cụ thể, còn các nhiệm vụ chưa xong sẽ phải làm quyết liệt hơn để bảo đảm 19 nhiệm vụ phải hoàn thành.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục dứt điểm những bất cập, tồn tại; xứng đáng là địa phương được Chính phủ chọn làm điểm, làm mẫu trong việc thực hiện Đề án 06 trên cả nước.
Tại hội nghị, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) ký kết biên bản hợp tác về phát triển các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/de-an-06-mang-lai-loi-ich-thiet-thuc-cho-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-thu-do-685202.html