Trong chuyến tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhiều du khách nước ngoài thích thú khi trải nghiệm văn hóa địa phương.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan. Đặc biệt, bảo tàng hội tụ những màu sắc văn hóa phong phú và đa dạng của 54 dân tộc Việt Nam, với khu trưng bày trong nhà và ngoài trời, cùng nhiều hoạt động tương tác cho du khách.
Nhiều du khách nước ngoài trầm trồ khi chứng kiến ngôi nhà Rông Tây Nguyên. Ảnh: Tường Vy
Ông William Smith, một du khách đến từ Mỹ, chia sẻ rằng ông đã lựa chọn ghé thăm bảo tàng vì mong muốn cùng gia đình trải nghiệm một cách sâu sắc hơn về văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam.
“Tôi đã cùng với các con khám phá ngôi nhà Rông của dân tộc Bana. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ, tre cao và đồ sộ đến vậy. Không gian được tái hiện khiến tôi cảm giác như đang được đến trải nghiệm các phong tục tập quán của dân tộc chân thực đến vậy”, ông nói.
Khách du lịch tham quan nhà Rông. Ảnh: Tường Vy
Theo Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ngôi nhà Rông Bana có diện tích hơn 90m2 và độ cao gần 19 mét. Năm 2003, 40 người dân làng Kon Rbàng ở xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã đến bảo tàng làm ngôi nhà này theo mẫu nhà Rông của làng họ hồi nửa đầu thế kỷ 20.
Trong nhà Rông thường treo các đầu trâu hiến sinh, đầu động vật là chiến tích và niềm tự hào về thành quả săn bắn của cộng đồng. Theo truyền thống, nhà Rông là không gian của hoạt động xã hội và hoạt động nghi lễ của đàn ông.
Đây là nơi đón tiếp khách lạ, nơi các thế hệ nam giới trao truyền tri thức, nơi dân làng tụ họp khi giải quyết những việc hệ trọng của cộng đồng, tổ chức nghi lễ và ăn uống chung. Ngoài ra, nhà Rông còn là nơi cất giữ vật thiêng, một dạng bùa hộ mệnh của làng và còn là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết, nét đẹp văn hóa tinh thần và trái tim của đồng bào Bana.
“Nếu có cơ hội quay trở lại Việt Nam, tôi nhất định sẽ đến thăm bản làng của các dân tộc miền núi để được mặc thử bộ trang phục của họ và trải nghiệm những nét đẹp văn hóa nơi đó”, bà chia sẻ thêm.
Du khách ấn tượng với trang phục và nghi lễ của người Dao đỏ. Ảnh: Tường Vy
Nét đặc sắc trong trang phục của người Dao đỏ, Thái đen, Thái trắng. Ảnh: Tường Vy
Trưng bày “Nà Pha – Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An” cũng thu hút nhiều du khách ghé thăm. Ảnh: Tường Vy
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hiện đang lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hoá của cả 54 dân tộc Việt Nam, gồm 15.000 hiện vật, 42.000 phim (kèm ảnh màu), 2.190 phim dương bản, 273 băng ghi âm các cuộc phỏng vấn, âm nhạc, 373 băng video và 25 đĩa CD-Rom (tính đến năm 2000).
Ngoài tòa nhà chính du khách còn có thể tham quan trưng bày “Nà Pha – Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An” từ nay đến 17.1.2025. Khuôn viên bảo tàng còn có tòa nhà Cánh diều, Vườn kiến trúc. Đối với những người yêu thích khám phá những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc miền núi, đây chắc chắn là địa điểm không thể bỏ lỡ.
Tường Vy
Nguồn: https://dulich.laodong.vn/kham-pha/khach-quoc-te-tram-tro-truoc-van-hoa-cac-dan-toc-viet-nam-1422822.html