Theo các chuyên gia, hiện lãi vay đã về mức phù hợp. Tuy nhiên, do giá nhà đang ở mức cao nên nhiều người đành phải tiếp tục tạm gác giấc mộng an cư.
Tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, hiện lãi suất cho vay mua nhà dao động 8 – 10%. Đây là con số phù hợp đối với khoản vay dài hạn.
Dẫu vậy, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2024, tín dụng bất động sản tiêu dùng chỉ tăng 4,6%. Theo nhận định của ông Lực, mức tăng này vẫn còn thấp.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng mối quan hệ cung – cầu cần tiến tới vị trí cân bằng hơn để thúc đẩy đà hồi phục của thị trường bất động sản. |
“Dù lãi suất đã hạ nhưng ít người dám vay, vì giá nhà hiện quá cao. Trong khi đó, thu nhập của người mua lại không tăng như kỳ vọng, điều kiện tài chính chưa đủ để mua. Nhiều người có tâm lý đợi giá nhà giảm hoặc mong chờ chủ đầu tư tung ra các chính sách kích cầu hấp dẫn hơn”, ông Lực chia sẻ.
Vị chuyên gia từ BIDV cho biết, thị trường đang thiếu các sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, cung cầu ở phân khúc này đang trong tình trạng mất cân xứng. Lý giải về việc giá bất động sản liên tục lập đỉnh mới trong thời gian qua, ông Lực cho rằng, nguyên nhân đến từ đà tăng trong chi phí xây dựng, chi phí đất đai…
“Nhiều người nhìn nhận môi giới viên như tác nhân ‘thổi giá’ bất động sản. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều này chỉ đúng một phần. Nguyên nhân giá nhà cao đến từ nhiều phía. Hiện không ít doanh nghiệp đang đặt biên độ lợi nhuận cao hơn và đâu đó có hiện tượng làm giá”, ông Lực đặt nghi vấn.
Tại sự kiện, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đồng tình với việc cơ cấu sản phẩm nhà ở đang chưa hợp lý. Tại trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, từ năm 2021 đến nay, phân khúc nhà ở dưới 3 tỷ đồng hoàn toàn vắng bóng trên thị trường. Còn nhà ở xã hội, đến nay cũng chỉ có khoảng trên dưới 12.000 căn.
“Thị trường bất động sản đang ở trạng thái kim tự tháp ngược, dẫn đến sự phát triển không ổn định, không bền vững”, ông Châu nhận định.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, quyền lực thị trường hiện đang nằm trong tay người bán, do sức cầu lớn nhưng nguồn cung nhà ở bình dân vẫn hạn chế. Việc trông chờ các chủ đầu giảm giá các dự án thương mại là rất khó.
“Vấn đề quan trọng là tăng nguồn cung, đặc biệt là nhà ở xã hội. Chính phủ cần thay đổi cách thức và có cơ chế quản lý hiệu quả để phát triển loại hình nhà ở này”, ông Thịnh cho hay.