Trước đại dịch COVID-19, chúng tôi (Brook Taylor từ New Zealand và Sam Korsmoe từ Hoa Kỳ) đã khởi xướng một dự án nghiên cứu về tương lai của Việt Nam.
Chúng tôi đã sống, làm việc và nghiên cứu về Việt Nam tổng cộng gần 60 năm. Chúng tôi đã là một phần của câu chuyện tăng trưởng kéo dài suốt ba thập kỷ qua của Việt Nam và chứng kiến các chỉ số đo lường sự phát triển cũng như thịnh vượng của một quốc gia dần được cải thiện trong suốt 25 năm qua.
Chúng tôi cùng thắc mắc, liệu điều đó đã xảy ra như thế nào? Quan trọng hơn, chúng tôi muốn biết liệu mô hình tăng trưởng của Việt Nam có thể tiếp diễn trong 25 năm tới hay không. Câu hỏi cơ bản của chúng tôi là: Liệu đây chỉ là một giai đoạn phát triển bùng nổ rồi sẽ dừng lại, hay sẽ thiết lập nền tảng cho sự tăng trưởng dài hạn và bền vững?
Những nỗ lực để trả lời các câu hỏi trên của chúng tôi đã được đền đáp với việc xuất bản cuốn Vietnam – Asia’s Rising Star (bản tiếng Anh của Silkworm Books) và Việt Nam – Ngôi Sao Đang Lên của châu Á (bản tiếng Việt của Quảng Văn và nhà xuất bản Hồng Đức).
Chúng tôi đã mang đến cho cuốn sách những kinh nghiệm và thế mạnh khác nhau. Brook là một doanh nhân, thành viên của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) và Tổng Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc công ty Quản lý Quỹ VinaCapital. Còn tôi, Sam, là một nhà văn, giáo viên và đã nghiên cứu về Việt Nam từ năm 1990. Tôi đã viết luận văn thạc sĩ về Đổi mới và có thể nói được tiếng Việt. Sau nhiều cuộc thảo luận, chúng tôi quyết định đưa ra một dự báo (giả thuyết) về tương lai của Việt Nam. Đó là:
Việt Nam là con rồng kinh tế mới của châu Á và sẽ theo đuổi con đường phát triển của những con rồng kinh tế châu Á trước đó như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Có hai câu hỏi được đặt ra trong giả thuyết này. Đầu tiên là định nghĩa xem thế nào là một con rồng kinh tế. Nó là gì và một quốc gia cần những điều kiện gì để được xem là một “con rồng”? Chúng tôi đã xác định sáu tiêu chí và kiểm định từng tiêu chí với trường hợp của Việt Nam.
Các tiêu chí này bao gồm: (1) Số liệu -các chỉ số kinh tế – xã hội có sự tăng trưởng liên tục trong ít nhất 10 năm liên tiếp; (2) Xuất khẩu – có sự tăng trưởng trong chuỗi giá trị của các mặt hàng được sản xuất để phục vụ xuất khẩu; (3) Công nghiệp hóa – có các chính sách và cơ sở hạ tầng làm nền tảng để phục vụ quá trình công nghiệp hóa; (4) Chuyên môn – trình độ học vấn và kỹ năng của các nhân sự chủ chốt trong nền kinh tế và chính phủ ngày càng được cải thiện; (5) Thị trường – các sản phẩm Made-In-Vietnam tiếp cận được tới nhiều thị trường trên toàn cầu; và (6) Lãnh đạo – có hệ thống lãnh đạo chủ yếu dựa trên năng lực.
Câu hỏi thứ hai là liệu Việt Nam trong những năm 2020 và 2030 có thể lặp lại thành công mô hình tăng trưởng của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) trong những năm 1980 và 1990 hay không?
Trong vòng 50 năm (từ 1950 đến 2000), Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã phát triển từ các nền kinh tế thời hậu chiến, thuộc địa và nghèo đói trở thành các quốc gia và vùng lãnh thổ có thu nhập cao. Câu hỏi cơ bản mà chúng tôi đặt ra là liệu Việt Nam có thể làm được điều tương tự không. Để xem xét phần này của giả thuyết, chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu, bao gồm sáu nghiên cứu tình huống và tám động lực kinh tế.
Chúng tôi đã chọn phương pháp giả thuyết cho dự án này vì một vài lý do. Thứ nhất, chúng tôi không phải là nhà báo, nhà kinh tế học, nhà sử học hoặc có mối quan hệ với bất kỳ chính phủ hay tổ chức nào. Thứ hai, chúng tôi không phải là người Việt Nam, nên chúng tôi muốn có một phương pháp nghiên cứu khách quan và khoa học nhất có thể. Chúng tôi không bao giờ nghĩ mình thực sự hiểu được trải nghiệm của người Việt Nam như cách mà họ cảm nhận. Thứ ba, phương pháp giả thuyết mang tính khoa học, chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là kiểm tra giả thuyết và báo cáo kết quả. Không có chỗ cho quan điểm cá nhân hoặc tẩy trắng những yếu tố cốt lõi.
Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian để nghiên cứu về cái gọi là “Bẫy thu nhập trung bình”, một “cái bẫy” thực sự mà nhiều quốc gia không thể “thoát” ra để trở thành các quốc gia có thu nhập cao. Dĩ nhiên, câu hỏi quan trọng nhất của chúng tôi là liệu Việt Nam có thể thoát khỏi cái bẫy này không?
Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ đưa ra câu trả lời chi tiết cho các câu hỏi trên. Đầu tiên, chúng tôi lập luận rằng Việt Nam sẽ là một con rồng kinh tế tiếp theo của châu Á, vì đất nước này thỏa mãn các tiêu chí mà chúng tôi đã đặt ra. Thứ hai, chúng tôi lập luận rằng Việt Nam rất có thể sẽ lặp lại được mô hình tăng trưởng của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Điều này là nhờ các động lực kinh tế đã hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam trong 25 năm qua.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu về các động lực kinh tế đã giúp Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) thành công trong các giai đoạn phát triển nền kinh tế của họ. Sáu trong số những động lực này cũng có thể được áp dụng cho Việt Nam, nghĩa là Việt Nam có tổng cộng 14 động lực kinh tế riêng biệt để giúp nền kinh tế phát triển.
Đây là lý do chúng tôi lập luận rằng Việt Nam có khả năng thoát khỏi Bẫy thu nhập trung bình và trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2040 hoặc 2045.
Liệu sai sót có thể xảy ra không? Có quá đi chứ. Không có gì là chắc chắn cả. Chúng tôi đã dành trọn một chương để giải quyết câu hỏi này (Chương 11 – Những rủi ro phía trước). Vẫn còn nhiều vấn đề đang tồn tại như khoảng cách giàu nghèo, tham nhũng, năng lực của nhà nước, sự đảo ngược của thương mại tự do, môi trường, thay đổi văn hóa và rủi ro địa chính trị. Bất kỳ vấn đề nào trong số này cũng có thể trở thành những trở ngại lớn cho sự phát triển.
Sau khi đầu tư hơn ba năm để nghiên cứu, chúng tôi thường được hỏi xem đâu là khám phá khiến mình bất ngờ nhất. Có ba điểm vô cùng nổi bật, bao gồm:
Thứ nhất, văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Chúng tôi đã nghiên cứu xem Việt Nam là một quốc gia Đông Bắc Á hay Đông Nam Á. Về mặt địa lý, Việt Nam rõ ràng thuộc Đông Nam Á, nhưng chúng tôi phát hiện ra đất nước này lại có đặc điểm văn hóa tương tự như các quốc gia Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…). Điều này bao gồm ảnh hưởng của Nho giáo, tinh thần làm việc chăm chỉ, tuân thủ kỷ luật xã hội và mô hình giáo dục đòi hỏi một nỗ lực học tập xuất sắc. Ngoài ra, Việt Nam có một ngôn ngữ chủ đạo trên toàn quốc và cơ cấu dân số tương đối thuận lợi cho phát triển.
Thứ hai, vai trò của phụ nữ tại Việt Nam, đặc biệt là trong nền kinh tế, quan trọng hơn rất nhiều so với hầu hết các quốc gia khác. Có rất ít rào cản văn hóa và xã hội để phụ nữ Việt Nam đảm nhận các vai trò lãnh đạo và kinh doanh. Do đó, tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực châu Á và thế giới.
Thứ ba, nghiên cứu về Bẫy thu nhập trung bình cho thấy sự phức tạp và khó khăn mà hầu hết các quốc gia gặp phải để “thoát” khỏi bẫy và trở thành các quốc gia có thu nhập cao. Đây là một điều rất khó khăn và hiếm gặp. Theo Ngân hàng Thế giới, từ năm 1960 đến nay mới chỉ có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thoát khỏi Bẫy thu nhập trung bình. Bốn con rồng kinh tế châu Á (Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan) cùng Nhật Bản đã chiếm một phần năm của nhóm này.
Trong giai đoạn từ 2001 đến 2023, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 6,23%/năm. Khi dự báo về tương lai, chúng tôi đưa ra ba kịch bản tăng trưởng: kịch bản tiêu chuẩn (tốc độ không đổi ở mức 6,23%), kịch bản thận trọng (5,23%) và kịch bản lạc quan (7,23%). Trong cả ba trường hợp, Việt Nam đều sẽ trở thành một quốc gia có thu nhập cao.
Chúng tôi kết thúc nghiên cứu này với ba gợi ý cho Việt Nam trong những năm 2020 và 2030, dựa trên những gì đã giúp nền kinh tế Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) thành công:
Nghĩ lớn – Vào giữa thập niên 1950 tại Nhật Bản và cuối thập niên 1970 tại Hàn Quốc, một nhóm tiên phong đã quyết định đăng cai Thế vận hội. Với Nhật Bản, khi đó Chiến tranh thế giới thứ hai mới kết thúc được 10 năm. Với Hàn Quốc, khi đó họ vẫn là một quốc gia đang phát triển với tài nguyên hạn chế và tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, những người tiên phong ở hai quốc gia này vẫn đưa ra đề xuất, thuyết trình với Ủy ban Olympic Quốc tế và giành quyền đăng cai Thế vận hội năm 1964 (Nhật Bản) và 1988 (Hàn Quốc). Vì sao Việt Nam không thể làm điều tương tự cho một Thế vận hội trong tương lai?
Nỗ lực lớn – Đài Loan (Trung Quốc) hiện là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới về khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực chip, bán dẫn. Thành tựu đó không bỗng dưng mà có, mà là một hành trình dài và gian khó với nhiều chính sách vĩ mô đúng đắn. Thế mạnh đáng kể nhất của Đài Loan (Trung Quốc) không phải là tài nguyên thiên nhiên, mà là nguồn nhân lực trình độ cao, trong đó có nhiều nhân tài từ nước ngoài trở về xây dựng ngành công nghiệp công nghệ thông tin.
Dám làm lớn – Morris Chang, sinh ra ở Trung Quốc đại lục, đã đến Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 1987 và sáng lập Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), một trong những công ty quan trọng nhất thế giới hiện nay. Đài Loan (Trung Quốc) cũng là quê hương của tòa nhà cao nhất thế giới, Taipei 101, từ năm 2004 đến năm 2010. Cũng trong khoảng thời gian đó, một nhóm kỹ sư Hàn Quốc đã quyết định rằng công ty của họ, Samsung, có thể trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới về một sản phẩm mới gọi là điện thoại thông minh. Và họ đã thành công.
Con đường mà Việt Nam dường như đang đi đã từng được một số nền kinh tế khác đi qua. Có những mô hình phát triển và các nghiên cứu tình huống phong phú để học hỏi. Tài sản quan trọng nhất của Việt Nam không chỉ là 14 động lực mà chúng tôi đã phân tích trong sách, mà chính là 100 triệu con người đang sống và làm việc tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là họ khao khát lặp lại mô hình thành công của các con rồng kinh tế châu Á đến mức nào.
Tác giả: Ông Sam Korsmoe đến từ Mỹ, nghiên cứu về Việt Nam từ những năm 1990, đến nay đã có gần 18 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ông từng là Trưởng Văn phòng Thời báo kinh tế Việt Nam (1993-1997), Giám đốc điều hành Mekong Research Ltd. và MekongSources.com (1997- 2004). Ông cũng hoạt động như một nhà tư vấn giáo dục cho sinh viên Việt Nam nộp đơn vào các trường đại học tại Bắc Mỹ.
Ông Brook Taylor đã sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1997 và có hơn 22 năm kinh nghiệm quản lý, bao gồm hơn 19 năm là đối tác cấp cao tại các công ty kiểm toán lớn. Tại VinaCapital, ông Brook Taylor là Tổng Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ. Chuyên môn của ông Brook Taylor trải rộng trên nhiều lĩnh vực quản lý và tài chính, bao gồm kế toán, lập kế hoạch kinh doanh, kiểm toán, tài chính doanh nghiệp, thuế và quản lý rủi ro. Ông có bằng MBA Quản trị Điều hành của INSEAD, bằng Cử nhân Thương mại và Quản trị của Đại học Victoria Wellington.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/tam-diem/viet-nam-ngoi-sao-dang-len-cua-chau-a-20241029065545883.htm