Đơn giản hóa thủ tục
ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật lần này đã tích hợp, giảm số lượng các loại quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục lập phê duyệt, điều chỉnh các loại quy hoạch cũng như đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong công tác lập và quản lý các loại quy hoạch.
Theo bà Thuỷ, cần nhận thức rõ vai trò của nội thành, nội thị, đây không đơn thuần là khu vực nằm bên trong ranh giới của đô thị mà cần được định nghĩa là khu vực trung tâm, lõi của đô thị, có sự tập trung cao về dân cư, dịch vụ, hoạt động kinh tế và hạ tầng đô thị, là không gian có tính liên kết cao.
Bà Thủy nhận định, việc xác định khu vực nội thành, nội thị có tính liên kết cao sẽ giúp cho việc quy hoạch được thực hiện một cách toàn diện, thống nhất, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, có sự liên thông đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ cho người dân đô thị. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển kinh tế của đô thị…
Nhấn mạnh, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một cách chính thức thế nào là khu vực nội thành, nội thị dẫn đến cả trong công tác quy hoạch đô thị và thực tiễn phát triển các đơn vị hành chính tồn tại thực trạng, có một số đô thị (chủ yếu là các thị xã và thành phố thuộc tỉnh) đang duy trì các khu vực nội thành, nội thị tách biệt, thiếu tính kết nối. Từ đó bà Thủy đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị. Đồng thời bổ sung một số quy định về yêu cầu và nguyên tắc đối với việc quy hoạch khu vực nội thành, nội thị và yêu cầu về các tiêu chí quy hoạch về phân loại đô thị áp dụng đối với khu vực này.
Trong khi đó, theo ĐBQH Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang), trong thời gian vừa qua, pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn một số bất cập, chưa hoàn thiện, lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến công tác quy hoạch, quản lý còn hạn chế. Còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm ở các thành phố lớn, thiếu an toàn trong phòng cháy, chữa cháy; Thiếu không gian xanh, không gian ngầm, không gian sinh hoạt công cộng.
Vì thế, ông Sinh đề nghị, nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về cách thức quản lý, sử dụng các nguồn lực để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ đồng thời không vi phạm những hành vi bị cấm trong Luật này.
Về trách nhiệm, tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao.
Bà Hạnh kiến nghị, cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện.
Phân cấp triệt để
Tại phiên họp, báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch đô thị và nông thôn; thẩm quyền phê điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, tiếp thu ý kiến, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng tiếp tục phân cấp thẩm quyền phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho UBND cấp tỉnh đối với các quy hoạch có tính chất cụ thể hóa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động và trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Về căn cứ lập quy hoạch đô thị và nông thôn, ĐBQH Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) đề nghị bổ sung thêm quy định lấy cơ sở pháp lý về kết quả sử dụng đất và phê duyệt quy hoạch tỉnh để làm căn cứ lập quy hoạch đô thị và nông thôn. Quy định như vậy thì việc triển khai trong thực tiễn mới tránh được những bất cập, khó khăn.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đồng tình với quan điểm, đối với thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh quy hoạch tỉnh, cần phải có quy hoạch chung. Bởi mỗi loại quy hoạch có chức năng khác nhau, nhưng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp, trong dự thảo luật này phải phân định rõ ràng. Trong đó, quy hoạch chung thực hiện chức năng định hướng phát triển cho tất cả các ngành, lĩnh vực, sau đó còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, từng lĩnh vực… Bên cạnh đó, theo ông Cường, trong kế hoạch thực hiện quy hoạch cần chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch để tránh tình trạng như hiện nay là đi xin đất làm hạ tầng trước nhưng quy hoạch không có.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định để xử lý tình trạng chồng chéo quy hoạch.
Đặc biệt ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) chỉ ra thực trạng, về quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị, dự thảo luật có quy định các bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch phân khu đô thị được lập theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/2.000. Song, theo Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024, thì một trong các điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là có quy hoạch chi tiết hoặc có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bà Mai cho rằng, tại các khu vực thành phố đã lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 sẽ không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đất đai được. Vì thế, đảm bảo thống nhất giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai với lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng, bà Mai kiến nghị bổ sung một khoản tại Điều 65 quy định chuyển tiếp để xử lý đối với các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 thì được phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong trường hợp cần thiết thì các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 được phép lập lại quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.
Bà Mai cũng đề nghị, bổ sung quy định, đối với thành phố trực thuộc trung ương, chỉ lập một cấp quy hoạch chung thành phố, sau đó sẽ lập các quy hoạch phân khu để tránh lãng phí, sớm khơi thông nguồn lực phát triển đất nước.
Còn theo ĐBQH Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông), dự thảo Luật cần giải quyết tốt, hài hòa các loại quy hoạch như: khoáng sản, đất đai, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhằm tạo không gian phát triển tốt cho địa phương.
Về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, ĐBQH Vi Đức Thọ (Đoàn Sơn La) nhấn mạnh, việc ban hành Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với sự phát triển của đất nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Giải trình trước các ý kiến ĐBQH đặt ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là dự án Luật quan trọng liên quan trực tiếp đến các dự án xây dựng của doanh nghiệp, người dân, cũng như nhiều loại quy hoạch khác. Do đó trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật đã rất thận trọng, rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan về quy hoạch.
Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật đã quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch cấp quốc gia, vùng cũng được quy định cụ thể. Phạm vi lập quy hoạch đô thị và nông thôn cũng được xác định dựa trên phạm vi lãnh thổ, đảm bảo sự đan xen, gắn kết hiệu quả giữa không gian đô thị và nông thôn.
Ngày làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Ngày 25/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 5 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Buổi sáng: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Tại phiên thảo luận có 22 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 1 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận; trong đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của UBTVQH…
Buổi chiều: Quốc hội họp riêng tiếp tục công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 157/2024/QH15 ngày 25/10/2024 về việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy viên UBTVQH và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Bùi Văn Cường; nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân và hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.
Tại phiên toàn thể, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Tổ chức và hoạt động của Văn phòng công chứng; tiếp nhận thành viên hợp danh mới, tạm ngừng hoạt động, mô hình của Văn phòng công chứng; bán Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng; tổ chức hành nghề công chứng… Kết thúc thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Nguồn: https://daidoanket.vn/hai-hoa-cac-loai-quy-hoach-tao-khong-gian-phat-trien-10293104.html