Sáng 18/10 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo về bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hội thảo diễn ra dưới hình thực trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh khẳng định, quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế.
Vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được các quốc gia chú trọng và được đặt ra tại hầu hết các diễn đàn kinh tế quốc tế. Việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia có hiệu quả sẽ khuyến khích các hoạt động sáng tạo, tạo môi trường đầu tư an toàn để thu hút các nhà đầu tư; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Cũng theo bà Phạm Thị Kim Oanh, trong những năm qua, hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhà nước quản lý hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua nhiều công cụ quản lý khác nhau, trong đó pháp luật được coi là công cụ quản lý quan trọng nhất.
Việt Nam đã, đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 trên 9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 2 Hiệp định song phương và 17Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan.
Việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại đã đưa Việt Nam lên vị thế bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển. Đồng thời, đem đến những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi thực hiện các cam kết trong hội nhập.
Vì vậy hội thảo là dịp để Cục Bản quyền tác giả nắm bắt thực trạng, tiếp nhận ý kiến đóng góp, kiến nghị của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học. Từ đó, Cục có cơ sở trong nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học nói riêng.
Hội thảo nhận được 16 báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và các công ty, văn phòng luật sư hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Các báo cáo tham luận đã tập trung làm rõ thực trạng cũng như đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện pháp luật cũng như biện pháp thực thi các quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả nói chung, trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học nói riêng; việc quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Các nhóm vấn đề được tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong bối cảnh mới hiện nay, gồm: Thực trạng quy định pháp luật, việc thực thi quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả hiện nay, tập trung vào một số nội dung trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học; nhận diện tài sản trí tuệ trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, thực trạng quản lý, khai thác và bảo vệ các tài sản quyền tác giả, quyền liên quan tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; kinh nghiệm quốc tế về pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan và từ các vụ việc thực tiễn liên quan đến áp dụng các quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả.
Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và trong quá trình triển khai thi hành trên thực tiễn; đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; tăng cường năng lực quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo