Một hôm, bên ly cà phê sáng với anh bạn nhà ở chung cư Gemek 1 (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), anh tâm sự: Ở chung cư, tiếng là “oai” nhưng chẳng sợ gì bằng cái nước bị cúp. Chẳng dè ngay đêm hôm đó hàng chục hộ dân khu chung cư nhà anh mất nước thật.
Điện thoại với tôi anh thở dài: “Nhân bảo như thần bảo ông ạ. Giờ thì tôi sẵn sàng đổi cái “oai” chỉ để lấy một xô nước ngay trước cửa nhà”.
Cũng như nhà anh, các hộ cùng khu chung cư cả đêm í ới gọi nhau, hì hục ra vào thang máy để xách nước được lấy tạm từ bể nước vốn chỉ để phục vụ cho phòng cháy, chữa cháy. Có người lỡ mồm bảo giờ nhỡ mà chập điện, cháy nổ thì lấy đâu ra nước chữa cháy tại chỗ thế là liền bị cả khu xúm vào mắng xới té tát.
Trường hợp của Gemek 1 (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) đã nối dài thêm danh sách chung cư bị cúp nước khiến người dân phải vất vả xoay xở, xách từng xô nước lên tầng cao bất kể ngày hay đêm. Trước Gemek 1 là các trường hợp có thể kể đến như chung cư Hà Nội Paragon hay Hateco Xuân Phương, chung cư 361- Nghĩa Đô, và nổi tiếng nhất là khu đô thị Thanh Hà.
Tình trạng cúp nước sinh hoạt tại nhiều khu chung cư, kể cả cao cấp ở Hà Nội, nhất là ở một số khu vực ở Hà Nội đã không còn là chuyện hiếm. Mất nước khiến cho mọi sinh hoạt, công việc đảo lộn hết. Nhà thì lo kiếm chỗ người thân tá túc nhờ ít bữa, nhà không có người thân thì đành tính chuyện thuê nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ gần nơi chung cư hay nơi làm việc.
Rồi biết bao cảnh bi hài để bảo đảm sinh hoạt thường nhật diễn ra: nào là bố mẹ tắm bằng nước tắm của con, nhà có xô chậu nào mang ra hết để đựng nước, vệ sinh cá nhân nín nhịn hết mức có thể, ông bà bố mẹ chia “ca” lấy nước… Một người từng ở phố cổ vốn đã phải hàng đêm xếp hàng chờ lấy nước ở vòi nước công cộng đầu phố than thở: “Tưởng như không bao giờ còn gặp lại cảnh xô thùng xếp hàng, thế mà…”.
Mà lý do của việc mất nước thường được thông báo là “bất khả kháng” trong khi thời điểm cấp nước trở lại thường là mù mờ, không có gì chắc chắn.
Cảnh người dân xoay xở nước sinh hoạt tại chung cư khi bị cúp nước. Ảnh minh hoạ |
Ai cũng biết nước sạch là nhu cầu cơ bản hàng ngày, liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm nhu cầu ăn uống, vệ sinh và sức khỏe. Việc cúp nước dù là bất khả kháng đã tác động không nhỏ đến tâm lý, cuộc sống người dân chung cư. Trong khi đó trách nhiệm về cấp nước thường không rõ ràng, phương án cấp nước cục bộ thường là bị động, khi xảy ra việc nước bị cúp người dân chủ yếu là tự xoay xở lấy, thậm chí phải chung tiền mua xe xtec chỉ để có thể có những ca nước hiếm hoi duy trì mạch sống.
Hầu như tại các buổi giới thiệu mở bán chung cư những “lời hay ý đẹp” về căn nhà trong mơ với người mua nhà thường là dành cho view đẹp, gần chợ, gần trường học, gần đường giao thông mà hầu như không thấy nói đến phương án dự phòng khi điện sinh hoạt, nước sinh hoạt sẽ được bảo đảm ra sao.
Bản thân người mua nhà dường như cũng ít quan tâm đến hai cái thiết thân nhất trong sinh hoạt là điện và nước, sẽ bấu víu thế nào, gọi cho đơn vị nào để giải quyết, gọi cho ban quản lý toà nhà, chung cư, hay chủ đầu tư khi có sự cố về điện và nước. Và nếu việc cấp nước, cấp điện không được bảo đảm thường xuyên liệu người dân có quyền khởi kiện hay không?
Rõ ràng là còn nhiều lỗ hổng liên quan đến trách nhiệm trong việc bảo đảm những nhu cầu sinh hoạt cơ bản là điện và nước cho người dân mua nhà tại các chung cư. Khi những lỗ hổng ấy còn chưa có câu trả lời rõ ràng, chưa có phương án giải quyết rành rẽ thì cái câu hỏi đến bao giờ mới hết cảnh xuyên đêm, chia ca ngày để xách nước vẫn còn lơ lửng trên các toà chung cư, kể cả khi được gắn cái mác “cao cấp” mà không rõ ra “cao cấp” cái nỗi gì!