TPO – Được khởi công xây dựng từ năm 1901, đến nay, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trải qua hai lần trùng tu, cải tạo mà vẫn giữ nguyên được những giá trị cơ bản về kiến trúc, mỹ thuật trang trí của người Pháp nhưng được nâng cấp với gần 400 trăm tấn thiết bị điều hòa, âm thanh, ánh sáng, thiết bị vệ sinh…
Được khởi công xây dựng từ năm 1901, đến nay Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành một trong những địa điểm đặc trưng của TP. Hà Nội. Với du khách trong và ngoài nước, Nhà hát Lớn Hà Nội luôn nằm trong danh sách điểm đến không thể bỏ lỡ ở Thủ đô. |
Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công xây dựng trên khu đất vốn là vùng đầm lầy của hai làng thuộc tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương (nay là khu vực Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào năm 1901. |
Nhà hát Lớn Hà Nội bề thế với những bậc thang trải dài phía trước, cửa trông ra quảng trường Cách mạng Tháng 8 ngày nay (lúc ấy có tên quảng trường Nhà hát). Thời điểm đó, kinh phí xây dựng nhà hát được duyệt tới 2 triệu franc Pháp. |
Nhà hát Lớn lúc đó được sử dụng là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như Opera, nhạc thính phòng, kịch nói… phục vụ cho tầng lớp quan lại thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có. Lịch biểu diễn thời đó một tuần có 4 lần vào thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. |
Mặt bằng Nhà hát Lớn Hà Nội được chia thành ba tầng. Tầng 1 là sảnh chính với cầu thang hình chữ T bằng đá dẫn lên tầng 2, tầng 3. Tầng 2 ngoài khu vực biểu diễn còn có phòng gương (1 phòng chính và 2 phòng nhỏ) là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng, lễ ký kết các văn kiện của Chính phủ hay đón tiếp các nhân vật cấp cao. |
Nhà hát lớn Hà Nội còn có giá trị rất lớn về mặt lịch sử, kiến trúc. Công trình là bằng chứng lịch sử của sự phát triển văn hóa và xã hội của Hà Nội và Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc, là một di tích của một giai đoạn phát triển kiến trúc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đây cũng là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng 8 và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. |
“Chúng tôi chủ trương giữ lại tối đa những dấu ấn thuộc về quá khứ, từ cách lợp mái bằng ngói Ardoise đến việc lắp các thiết bị hiện đại. Chúng ta vào Nhà hát Lớn Hà Nội hôm nay, trong cảm quan sẽ không thấy có quá nhiều sự thay đổi. Nhưng thực chất, công việc trùng tu đã đặt vào nó hàng trăm tấn thiết bị hiện đại vừa đáp ứng được yêu cầu tu bổ, vừa nâng cấp được chức năng của công trình này”, GS.TS Hoàng Đạo Kính nêu. |
Năm 2015, Nhà hát Lớn Hà Nội trải qua lần chỉnh trang thứ hai sau nhiều năm xuống cấp. Trong những ngày đầu thực hiện chỉnh trang, diện mạo của nhà hát đã gây tranh cãi vì quá rực rỡ. Sau hai lần sơn, Nhà hát Lớn Hà Nội đã được trả lại vẻ ngoài như phiên bản trùng tu năm 1997. Ảnh: Sưu tầm. |
Nhà hát Lớn Hà Nội đã trải qua hai lần trùng tu, cải tạo mà vẫn giữ nguyên được những giá trị cơ bản về kiến trúc, mỹ thuật trang trí của người Pháp biến nơi đây thành điểm check-in đắt khách bậc nhất Thủ đô. |
Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ là điểm đến đặc trưng của Hà Nội mà còn trở thành điểm chụp ảnh kỷ yếu, ảnh cưới. Đây cũng là cách để người dân thể hiện tình yêu với một biểu tượng văn hóa, nghệ thuật hơn trăm tuổi ở Thủ đô. Ảnh: Sưu tầm. |
Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội
Toàn cảnh ‘Hà Nội – Bản hùng ca phố’ tái hiện mùa thu náo nức tiếp quản Thủ đô
GS.TS Hoàng Đạo Kính nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội
Thưởng thức giai điệu thu Hà Nội