Với những cuộc triển lãm ảnh về Hà Nội, có thể là ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ở bảo tàng, nhà triển lãm, ở quanh Bờ Hồ… hay triển lãm trực tuyến đang được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, công chúng có nhiều cơ hội hơn để chiêm ngưỡng những dáng hình đã và đang hiện hữu ở thành phố này.
Đó là dòng ký ức với đầy ắp những sự kiện lịch sử được ghi lại bằng những bức ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian của những tay máy nghệ sĩ, chiến sĩ. Họ đã ghi lại dáng hình Thủ đô trước Ngày Giải phóng với những phố hàng đơn sơ mà thanh lịch, hay hình ảnh về đoàn quân chiến thắng trở về giữa trời cờ hoa rực rỡ, rồi những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ gian khó mà anh hùng… Đó là dòng chảy của sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô qua những bức hình ngày càng hoàn thiện hơn về màu sắc, đường nét, được chụp bằng những loại máy ảnh hiện đại của cả nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước, những người yêu mến Hà Nội…
Cùng với dòng chảy lịch sử chung ấy là dòng chảy cuộc đời rất riêng của mỗi con người. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo từng chia sẻ, ông thường chụp một góc phố, một ngôi nhà với cùng một góc máy qua mỗi 5 năm, 10 năm. Đó cũng là cách để ông chiêm nghiệm về cuộc đời, thấy những thay đổi của phố phường, cũng như sự thay đổi của cuộc sống. Và chắc hẳn, những người từng quen với góc phố, con đường, gốc cây… ấy sẽ có một cảm xúc thật đặc biệt khi được “xuyên không” về quá khứ qua những tấm hình, để mỉm cười hay tiếc nuối trước sự biến chuyển của thời gian. Thế nên, tôi vẫn thấy có những người nán lại thật lâu trước một bức ảnh, như thể họ chợt bắt gặp trong đó một người quen cũ, hay chính là mình của ngày xưa và dòng chảy ký ức lại tràn về.
Những dáng hình phố và người, khi được lưu lại bằng những bức ảnh đẹp, không phải chỉ là chép sử bằng hình ảnh, không chỉ là kho tư liệu vô giá mà còn là cầu nối để con người ta được thêm một lần trở về với quá khứ, về với một Hà Nội của chung và của riêng mỗi người.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ca-phe-cuoi-tuan-nhung-dang-hinh-ha-noi-680446.html