CDC Hà Nội cập nhật tình hình dịch sốt xuất huyết, sởi, viêm màng não
Ngày 30/9, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, Thành phố ghi nhận 279 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Thạch Thất, Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thanh Xuân, Thường Tín, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Phúc Thọ. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố ghi nhận 3.530 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, trong tuần ghi nhận thêm 18 ổ dịch sốt xuất huyết tại 8 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoàng Mai, Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai (giảm 5 ổ dịch so với tuần trước đó). Cộng dồn năm 2024, Thành phố ghi nhận 183 ổ dịch, hiện còn 34 ổ dịch đang hoạt động.
CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch.
Giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết tại Quất Động, Thường Tín; Khương Đình, Thanh Xuân; Minh Khai, Bắc Từ Liêm; Nhật Tân, Tây Hồ; Hàng Bột, Văn Chương, Đống Đa; Tân Hội, Đan Phượng.
Ngoài sốt xuất huyết, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, dịch sởi tại đây cũng đang diễn biến phức tạp, Thành phố vừa ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó có 5 trường hợp chưa được tiêm chủng và 2 trường hợp chưa tiêm đầy đủ vắc xin sởi.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 13 trường hợp mắc sởi; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh.
Trước tình hình số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi.
Đồng thời, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Bên cạnh đó, CDC thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục để tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng vắc xin sởi của toàn bộ trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố (hoàn thành trong tháng 10/2024).
Dựa vào kết quả rà soát này để chuẩn bị triển khai tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh sởi-rubella (MR) cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa tiêm chủng đủ mũi theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố.
Tại TP. HCM trong bối cảnh dịch sởi đang còn phức tạp, Thành phố vẫn đang tăng tốc để tiêm vắc-xin. Cụ thể, trong ngày 28/9/2024, TP đã tiêm được tổng cộng 1.198 mũi vắc-xin sởi tại 182 điểm tiêm trên toàn Thành phố. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 98% trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi đã được tiêm.
Tính đến hết ngày 28/9, tổng số mũi tiêm vắc-xin sởi tích lũy trên địa bàn Thành phố là 199.887 mũi. Trong đó, trẻ từ 1-5 tuổi đã tiêm được 40.479 mũi (đạt 91,94%), trẻ từ 6-10 tuổi là 146.551 mũi (đạt 99,71%). Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi đạt 98% theo kế hoạch.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị UBND các quận huyện chưa đạt tỷ lệ 95% cần đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu chiến dịch; đối với những quận huyện đã đạt tỷ lệ từ 95% trở lên cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tránh để bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng trên địa bàn.
Trước đó, sau khi công bố dịch sởi trên địa bàn, TP.HCM đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi cho trẻ vào cuối tháng 8/2024 với mục đích nâng cao miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch sởi.
Một dịch bệnh khác cũng đang diễn biến phức tạp thời gian gần đây là bệnh viêm màng não bởi virus Enterovirus. Thời gian gần đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị nhiều trẻ em nhập viện do đau đầu, nôn và sốt do mắc bệnh viêm màng não bởi virus Enterovirus.
Theo BS.CKII Ngô Thị Huyền Trang, Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, viêm màng não do virus xảy ra quanh năm, nhưng thường thấy nhất vào mùa hè và mùa thu.
Đặc biệt, Enterovirus (EV) là một họ bao gồm nhiều loại virus, trong đó có những loại rất nguy hiểm cho con người và có thể gây thành dịch.
Enterovirus lây qua 2 con đường là phân – miệng và đường hô hấp. Virus nhân lên trong cơ quan ban đầu (niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa) và xâm nhập vào máu, sau đó là đến các cơ quan liên võng nội mô (gan, lách, hạch bạch huyết).
Tại đây nếu các biện pháp miễn dịch không ngăn chặn được sự nhân lên của virus, sau đó virus tái xâm nhập vào máu và gây tổn thương cơ quan đích trong có có não, màng não. Trên thực tế, các dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não do EV có thể tương tự một số bệnh khác nên có thể bị chẩn đoán nhầm.
Trẻ viêm màng não có biểu hiện đau đầu là triệu chứng chính, ngoài ra có thể kèm theo buồn nôn, nôn và sốt nhẹ. Một số trẻ có thêm các riệu chứng đặc trưng của nhiễm EV như xuất hiện các mụn nước khu trú hoặc phát ban sẩn toàn thân, nhưng ít gặp.
Để chẩn đoán xác định, bệnh nhân cần được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm PCR để tìm virus. Điều trị triệu chứng hiện đang là phương pháp chính trong quản lý bệnh viêm màng não do EV với các thuốc giảm đau, hạ sốt và giảm viêm.
BS.CKII Ngô Thị Huyền Trang khuyến cáo, hiện tại bệnh không có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh nên các biện pháp phòng ngừa rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bé.
Cụ thể, vệ sinh tay chân sạch với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt xì. Không chỉ áp dụng cho trẻ mà còn cả người chăm sóc cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng. Vệ sinh đồ chơi chung, khử trùng hàng ngày sau mỗi buổi chơi.
Giữ không gian sống sạch sẽ, khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn, ghế để ngăn ngừa lây lan virus và đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu bệnh để được bác sỹ chẩn đoán và điều trị kịp thời.