Loay hoay gỡ gánh nặng 200.000 m2 “đất vàng” cho Tổng công ty Đường sắt
Việc chưa được cấp có thẩm quyền xếp lô đất có diện tích hơn 200.000 m2 đất tại số 551 – Nguyễn Văn Cừ (TP. Hà Nội) vào loại đất công nghiệp đường sắt đang chất thêm gánh nặng tài chính cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Bên trong Phân xưởng Sửa chữa toa xe (Công ty Xe lửa Gia Lâm). (Ảnh: A.M) |
Chờ minh định tính chất lô đất
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn hỏa tốc số 5998/VPCP-ĐMDN gửi các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông – Vận tải (GTVT); UBND TP. Hà Nội và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Thành Long liên quan khó khăn, vướng mắc trong quản lý và thực hiện nghĩa vụ tài chính tại lô đất số 551 – Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, TP. Hà Nội).
Đây là diện tích đất thuộc khuôn viên Công ty Xe lửa Gia Lâm (đơn vị thành viên của VNR), một trong hai nhà máy sửa chữa đầu máy, chế tạo toa xe lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Tại công văn trên, Phó thủ tướng Lê Thành Long giao UBND TP. Hà Nội xem xét kiến nghị của VNR, ý kiến của các cơ quan liên quan để khẩn trương xử lý và trả lời VNR trong tháng 8/2024.
Khoản 2, Điều 6, Luật Đường sắt Việt Nam năm 2017
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đơn vị chủ quản) khẩn trương xem xét, có quan điểm đề xuất cụ thể đối với các kiến nghị của VNR về việc xử lý vướng mắc trong quản lý, sử dụng và thực hiện nghĩa vụ tài chính tại cơ sở nhà đất số 551 – Nguyễn Văn Cừ.
Trên cơ sở đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND TP. Hà Nội để xem xét, thống nhất hướng xử lý vướng mắc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo trước đó của lãnh đạo Chính phủ.
“Trường hợp phát sinh vướng mắc, vượt thẩm quyền, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng trong quý III/2024”, Phó thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo.
Trước đó, giữa tháng 6/2024, VNR có văn bản đề nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, các cơ quan liên quan xác định toàn bộ diện tích đất tại 551 – Nguyễn Văn Cừ là đất công trình công nghiệp đường sắt, như xác nhận của Cục Đường sắt Việt Nam.
VNR cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 6, Luật Đường sắt năm 2017, phù hợp với Điều 209, Luật Đất đai năm 2024 đối với toàn bộ diện tích đất tại số 551 – Nguyễn Văn Cừ.
Cụ thể, không thực hiện thu tiền sử dụng đối với diện tích đất 122.973 m2 (là hệ thống đường sắt và kho, xưởng để phục vụ sửa chữa đầu máy, toa xe được xác định là kết cấu hạ tầng đường sắt và công trình công nghiệp đường sắt, hồ điều hòa chung của khu vực) từ thời điểm có Quyết định số 6960/QĐ-UBND ngày 18/11/2013 của UBND TP. Hà Nội về việc cho VNR thuê 203.873 m2 đất tại 551 – Nguyễn Văn Cừ đến ngày 30/6/2017 (trước thời điểm Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực).
“Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền xem xét các thủ tục pháp lý, nghĩa vụ tài chính về đất đai, UBND TP. Hà Nội và Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế tiếp tục đưa số tiền mà Tổng công ty phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với lô đất số 551 – Nguyễn Văn Cừ vào nhóm ‘tiền thuế nợ đang xử lý’ và không thực hiện tính tiền chậm nộp tại cơ sở nhà, đất nêu trên”, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR kiến nghị.
Treo gác hướng xử lý
Cần phải nói thêm, cơ sở nhà, đất tại số 551 – Nguyễn Văn Cừ được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1905, có lịch sử gắn liền với việc xây dựng, phát triển của ngành đường sắt Việt Nam. Tháng 4/1955, Tổng cục Đường sắt nhận, quản lý lô đất và giao Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (nay là Công ty Xe lửa Gia Lâm) sử dụng.
Từ khi tiếp quản đến nay, Tổng cục Đường sắt và sau này, đơn vị kế thừa là VNR đã liên tục quản lý, vận hành, sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất tại số 551 – Nguyễn Văn Cừ để phục vụ sản xuất công nghiệp, chế tạo, sửa chữa đầu máy, toa xe.
Năm 1999, VNR ký với Sở Địa chính TP. Hà Nội hợp đồng thuê đất có thời hạn 10 năm kể từ ngày 1/1/1996 cho lô đất số 551 – Nguyễn Văn Cừ, với đơn giá cho thuê là 4.550 đồng/m2/năm.
Tổng diện tích mà VNR phải nộp tiền thuê đất là 127.597 m2, sau khi trừ đi diện tích 20.721 m2 hồ điều hòa chung của khu vực và 56.270 m2 đất sử dụng cho hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, diện tích bảo đảm an toàn nền đường sắt trong khuôn viên nhà máy.
Tại thời điểm này, Công ty Xe lửa Gia Lâm (đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng) đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đất theo đơn giá.
Đến tháng 11/2013, UBND TP. Hà Nội lại tiếp tục có Quyết định số 6960/QĐ-UBND tiếp tục cho VNR thuê 203.873 m2 đất tại số 551 – Nguyễn Văn Cừ, nhưng toàn bộ lô đất và các công trình xây dựng trên thửa đất này được xác định là để “xây dựng văn phòng và cơ sở kinh doanh”.
Sau đó, Sở Tài chính TP. Hà Hội ban hành đơn giá tính cho toàn bộ diện tích 203.873 m đất tại số 551 – Nguyễn Văn Cừ là 368.276 đồng/m2 (tăng lên gấp 80,94 lần so với đơn giá cũ).
“Mặc dù VNR vẫn sử dụng cơ sở nhà, đất nêu trên để phục vụ công nghiệp đường sắt như từ khi tiếp quản đến nay, nhưng với việc không còn được phân khai diện tích đất như trước đây đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh của đơn vị”, ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết.
Được biết, trong giai đoạn từ ngày 18/11/2013 đến ngày 30/6/2018 (trước khi Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực), VNR đã tạm nộp tiền thuê đất đối với diện tích 80.900 m2 đất làm văn phòng làm việc, phục vụ sản xuất, với số tiền 131 tỷ đồng.
Đối với phần diện tích còn lại (122.973 m2 là toàn bộ hệ thống đường sắt, kho, xưởng phục vụ sửa chữa đầu máy, toa xe được xác định là kết cấu hạ tầng đường sắt và công trình công nghiệp đường sắt và hồ điều hòa chung của khu vực), VNR chưa nộp tiền thuê đất với số tiền là 194,409 tỷ đồng. Số tiền này chưa bao gồm 101.754.664.124 đồng mà cơ quan thuế TP. Hà Nội phạt chậm nộp thuế.
Giai đoạn từ ngày 1/7/2018 đến nay, tổng số tiền phải thực hiện nghĩa vụ tài chính là 205,253 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp là 19,143 tỷ đồng.
Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 6, Luật Đường sắt năm 2017 và Điều 2093 Luật Đất đai năm 2024, VNR chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính cho toàn bộ diện tích đất nêu trên.
Được biết, trong suốt 3 năm qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VNR đã liên tục có văn bản kiến nghị tới lãnh đạo Chính phủ, UBND TP. Hà Nội để xử lý rốt ráo những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với cơ sở nhà, đất tại số 551 – Nguyễn Văn Cừ.
Trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam đã kiểm tra hiện trạng sử dụng và xác nhận, cơ sở nhà, đất tại số 551 – Nguyễn Văn Cừ là tổ hợp các công trình đường sắt, đồng thời đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét, giải quyết theo quy định.
Đến ngày 16/1/2024, Văn phòng UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 715/VP-TNMT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế TP. Hà Nội xem xét, giải quyết theo nội dung kiến nghị của Cục Đường sắt Việt Nam, nhưng đến nay, VNR vẫn chưa nhận được văn bản giải quyết.
“Điều này dẫn tới khoản nợ thuế của VNR vẫn tiếp tục bị treo gác, chưa rõ hướng xử lý cuối cùng, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của đơn vị”, lãnh đạo VNR thông tin.