Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9; hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa đa dạng tại các điểm trong khu vực phố cổ Hà Nội.
Dịp nghỉ lễ 2/9 cũng là dịp chuẩn bị đón Trung thu, do đó, từ ngày 30/8, Ban Tổ chức sẽ biến Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm) thành không gian của Tết Trung thu truyền thống, với những chiếc đèn, mâm cỗ Trung thu và nhiều hình ảnh về Trung thu xưa.
Cũng tại đây, trong ngày 1/9, sẽ có tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống – Kinh nghiệm của cộng đồng và nhà quản lý” nhằm tôn vinh vẻ đẹp chiếc áo dài Việt Nam, những kinh nghiệm để bảo tồn, phát huy giá trị áo dài như một di sản văn hóa.
Trong khi đó, Trung tâm Thông tin di sản phố cổ (đền Quan Đế – số 28 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm) là nơi diễn ra chương trình trải nghiệm làm đèn trung thu truyền thống và giao lưu với nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền.
Tại biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo, phường Hàng Bài, Ban tổ chức giới thiệu nghệ thuật tranh sơn mài khắc có chủ đề “Mạch di sản”.
60 bức tranh sơn mài khắc được sáng tác lấy cảm hứng chủ yếu từ tranh dân gian sẽ đem đến công chúng cái nhìn mới mẻ về những sáng tạo trên nền nghệ thuật của các hoạ sĩ. Chương trình kéo dài đến hết ngày 3/9 và trong khuôn khổ chương trình sẽ có hoạt động trải nghiệm làm sơn mài khắc diễn ra trong hai ngày mùng 1 và 2/9.
Tại các không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm có nhiều hoạt động ngoài trời hấp dẫn. Nổi bật trong đó là chương trình đạp xe diễu hành với chủ đề “Đạp xe diễu hành: Áo dài kết nối du lịch với di sản Hà Nội”, diễn ra trong sáng 1/9. Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức đạp xe diễu hành qua nhiều di sản của Hà Nội.
Ngoài ra, trong các ngày nghỉ lễ, tại không gian đi bộ khu vực phố cổ có nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật như: Biểu diễn âm nhạc truyền thống tại Ô Quan Chưởng; biểu diễn hát Văn trước cửa đền Bạch Mã (số 76 phố Hàng Buồm); biểu diễn âm nhạc truyền thống trước cửa đền Quan Đế (số 28 phố Hàng Buồm); biểu diễn nghệ thuật Tuồng truyền thống trước cửa đền Hương Tượng (số 64 phố Mã Mây); biểu diễn nhạc cụ dân tộc trước cửa đình Kim Ngân (số 42-44 phố Hàng Bạc); biểu diễn âm nhạc dân gian đương đại tại ngã ba Gia Ngư – Hàng Bè; biểu diễn âm nhạc đương đại tại ngã tư Gia Ngư – Đinh Liệt…
Tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, vào các buổi tối có biểu diễn nhạc không lời trước cửa Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ); biểu diễn âm nhạc dân gian truyền thống tại khu vực Tượng đài Vua Lê Thái Tổ… nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân và thu hút khách du lịch.
Nguồn: https://nhandan.vn/pho-co-ha-noi-to-chuc-nhieu-hoat-dong-mung-quoc-khanh-2-9-post827100.html