Nếu không thích sự đông đúc ồn ào ở những con phố mùa thu Hà Nội như Phan Đình Phùng, Hàng Mã, các bảo tàng sẽ là điểm đến lý tưởng trong dịp lễ 2-9 này với nhiều trải nghiệm thú vị.
Thử làm gốm tại Bảo tàng gốm Bát Tràng – Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Tham quan bảo tàng ở Hà Nội, bạn sẽ được tham gia hàng loạt hoạt động hấp dẫn như: làm đèn lồng, trải nghiệm cổ phục Việt, làm gốm… sẽ được các bảo tàng tổ chức, chờ du khách khám phá dịp lễ 2-9 này.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Tọa lạc tại số 66 Nguyễn Thái Học (Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà còn nổi tiếng bởi tòa nhà lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Toàn bộ khuôn viên bảo tàng khoảng 4.700m2, trong đó diện tích trưng bày trên 3.000m2. Bảo tàng được chia thành nhiều không gian với chức năng: không gian trưng bày thường xuyên, không gian trưng bày chuyên đề, không gian sáng tạo cho trẻ em và không gian ẩm thực và đồ uống.
Đèn lồng từ giấy giang trong workshop tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Dịp lễ 2-9 này, ngoài việc chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, du khách còn được tham gia workshop “Sáng tạo cùng giấy giang” vào các ngày 31-8 và 1-9.
Giấy giang là loại giấy được làm thủ công từ bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc Mông. Trong workshop này, người tham gia sẽ được sáng tạo thử làm những chiếc đèn lồng xinh xắn với loại giấy này.
Bảo tàng gốm Bát Tràng với kiến trúc độc đáo – Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Bảo tàng gốm Bát Tràng
Nằm bên bờ sông Bắc Hưng Hải, Bảo tàng gốm Bát Tràng nổi bật với kiến trúc được lấy cảm hứng từ bàn xoay – một dụng cụ làm gốm của người dân làng Bát Tràng. Đây là một trong những điểm đến thu hút du khách khi đến thăm làng gốm.
Không gian Bảo tàng gốm Bát Tràng được chia thành 6 tầng, đó cũng chính là 6 khu trải nghiệm khác nhau. Qua mỗi không gian, du khách lại được hiểu thêm về nghệ thuật gốm truyền thống của người Việt, chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm ấn tượng.
Đặc biệt, tại khu vực tầng G, du khách có thể hóa thân thành nghệ nhân gốm, làm quen với bàn xoay, tự tay sáng tạo sản phẩm gốm cho riêng mình.
Trải nghiệm văn hóa tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Nếu yêu thích không gian xanh, hòa mình vào thiên nhiên giữa lòng thành phố, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn. Nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội), bảo tàng này là nơi thu hút đông đảo du khách, các bạn nhỏ mỗi dịp cuối tuần.
Bảo tàng có ba không gian trưng bày: các dân tộc Việt Nam (tòa nhà Trống đồng), trưng bày văn hóa Đông Nam Á và văn hóa các dân tộc trên thế giới (tòa nhà Cánh diều), vườn kiến trúc. Trong đó, vườn kiến trúc gây ấn tượng với du khách bởi không gian xanh mát, tiếng suối chảy róc rách và 10 kiến trúc dân gian Việt Nam dưới những tán cây.
Đó là khuôn viên nhà người Chăm, nhà người Việt, nhà rông Bana, nhà dài Ê Đê, nhà mồ Gia Rai, nhà mồ Cơ Tu, nhà sàn Tày, nhà nửa sàn nửa trệt người Dao, nhà trệt Mông, nhà trình tường của người Hà Nhì.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam – nơi lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 tư liệu, hiện vật gắn liền với lịch sử đất nước – Ảnh: VIỆT DŨNG
Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam
Lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 tư liệu, hiện vật gắn liền với lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam là nơi để du khách hiểu thêm về lịch sử văn hóa lâu đời và quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Khi tham quan bảo tàng, du khách có thể kết hợp ghé thăm nhiều công trình kiến trúc Pháp nổi tiếng ở Hà Nội như Nhà hát Lớn, dãy nhà trên phố Tràng Tiền; tản bộ hồ Gươm, khám phá phố cổ Hà Nội.
Trải nghiệm cổ phục Việt tại Bảo tàng Hà Nội – Ảnh: Bảo tàng Hà Nội
Bảo tàng Hà Nội
Không mất vé tham quan, Bảo tàng Hà Nội đang là điểm đến thu hút giới trẻ bởi trải nghiệm Việt phục độc đáo. Đây cũng là một trong những bảo tàng có diện tích lớn nhất tại Hà Nội với quy mô 54.000m2. Bảo tàng được thiết kế từ ý tưởng chùa Một Cột, có dáng dấp tựa như một đóa sen.
Với hơn 70.000 tài liệu, hiện vật sinh động, Bảo tàng Hà Nội sẽ đưa bạn khám phá lịch sử – văn hóa của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Thời gian qua, bảo tàng đã có nhiều đổi mới về hình thức trưng bày để thu hút khách tham quan.
Đến với Bảo tàng Hà Nội dịp lễ 2-9, du khách sẽ được trải nghiệm các không gian trưng bày, hóa thân thành các tiểu thư xưa với cổ phục Việt hay chiêm ngưỡng bộ sưu tập hóa thạch lịch sử trái đất với nhiều hiện vật quý giá.
Ngoài các bảo tàng kể trên, dịp lễ này nhiều bảo tàng, di tích khác tại Hà Nội cũng mở cửa phục vụ du khách tham quan, khám phá như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (nghỉ ngày 2-9)…
Nguyễn Hiền
Nguồn: https://tuoitre.vn/nghi-le-2-9-den-bao-tang-mac-co-phuc-lam-den-long-tu-giay-giang-20240820193628745.htm