Anh Ngô Quang Dũng (29 tuổi, quê ở TX.Sơn Tây, Hà Nội) có vợ là chị Hatori Chiaki (30 tuổi, quốc tịch Nhật Bản). Trước khi nghỉ việc tạm thời, anh Dũng là kỹ sư công nghệ và nhiếp ảnh gia còn vợ là tư vấn viên tại Nhật.
Như những cánh chim tự do
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Dũng cho biết, tháng 10.2021, sau khi tổ chức đám cưới ở Việt Nam, chị Chiaki bị Covid-19 nặng. Nỗi sợ khi nửa đêm vợ không thể thở nổi, cả nhà phải đưa đến bệnh viện vẫn còn nguyên trong tiềm thức của anh. May mắn, nhờ có sự hỗ trợ, chăm sóc của nhân viên y tế, sức khỏe của chị cải thiện và có thể quay về Nhật Bản.
“Trước đây mình cứ nghĩ bản thân còn trẻ, còn nhiều thời gian nên luôn cắm đầu vào làm việc, quên mọi thứ xung quanh. Mình không nghĩ khoảnh khắc sinh tử của vợ lại xuất hiện ngay trước mắt nên cả hai quyết định gác lại công việc, sống một năm cho đáng tuổi trẻ”, anh Dũng chia sẻ.
Sau 4 tháng, họ đi qua các nước như Mỹ, Mexico, Colombia, Bolivia, Peru, Chile và Brazil. Hai người không có kế hoạch chi tiết, chỉ chọn những nước muốn đi và giữ phong cách “đi tới đâu nghĩ tới đó”.
Ngoài lái xe ô tô ở Mỹ, cặp vợ chồng đều sử dụng phương tiện công cộng khi đi qua các nước khác. Ngồi trên xe, cặp đôi được tiếp xúc với người bản địa, dù đôi lúc không hiểu tiếng nhau nhưng mọi người vẫn rất thoải mái, vui vẻ. Họ thường tìm đến các quán ăn người địa phương hay lui tới. Dù không ít lần vợ anh bị đau bụng nhưng cả hai đều giữ vững quan điểm muốn khám phá ẩm thực người bản xứ.
“Mình nhớ nhất khi ở châu Mỹ, người dân rất hiếu kỳ khi thấy mình là người châu Á. Nhiều người không biết Việt Nam ở đâu nên tiến tới xin chụp hình với vợ chồng mình. Mình cũng thích thời gian khoảng 10 ngày thuê xe cắm trại ở Mỹ. Cả hai thay nhau lái xe, ăn ngủ trong xe trên quãng đường gần 3.000 km, giống cánh chim tự do trên đường”, chàng trai Việt nhớ lại.
Ngoài ra, họ cũng có trải nghiệm không thể nào quên khi chị Chiaki bị đau bụng ở Peru kéo dài gần một tuần khi sang tận Brazil. Họ đánh rơi drone ở Bolivia, quên túi máy ảnh ở Brazil. Một lần khác, họ làm mất thẻ nhớ Mexico, anh Dũng buồn chán khi bị mất dữ liệu còn người vợ động viên rằng kỷ niệm vẫn luôn còn mãi.
Viết nên “câu chuyện của riêng mình”
Anh Dũng và chị Chiaki quen nhau từ năm nhất đại học ở Nhật Bản. Hồi mới gặp, họ là bạn bè nhưng dần dần thân thiết, yêu nhau và tiến tới hôn nhân. Họ không có một khoảnh khắc bất chợt như tình yêu sét đánh, đến với nhau sau một thời gian tìm hiểu.
Cả hai thừa nhận không phải hợp nhau 100% nhưng lúc xung đột luôn cố gắng giải quyết. Mỗi bên nhường nhau một chút, từ từ hiểu hết tính cách của nhau nên quyết định sống gắn bó trong suốt cuộc đời.
“Một điều quan trọng nữa là tụi mình nói chuyện khá nhiều, đủ mọi chủ đề. Gần như không có chủ đề gì mình không thể chia sẻ với vợ và ngược lại”, người chồng bày tỏ.
Khi quyết định tiến tới hôn nhân, họ nhận được sự ủng hộ của gia đình hai bên. Với anh, vợ là người hiền lành, đơn giản. Anh không bao giờ thấy vợ “đu trend”, tủ quần áo được bà, bác gái và mẹ cho tặng là chủ yếu.
Chị Chiaki rất thích đọc sách và có năng khiếu các môn nghệ thuật. Chuyện tình của họ gắn liền với những buổi leo núi, camping ở Nhật.
“Năm 2018, mình có sang Pháp để thăm vợ, cô ấy học ĐH ở đó 3 năm. Khi mình về lại Nhật Bản, vợ đã ngồi lại sân bay và khóc rất lâu. Mình biết vợ là người khá cảm xúc và dễ khóc nhưng không ngờ cô ấy khóc nhiều như vậy”, anh Dũng cho hay.
Vợ anh Dũng đã về Việt Nam nhiều lần. Lần gần nhất là Tết Nguyên đán 2024, dù có chút rào cản về ngôn ngữ nhưng luôn được mọi người trong gia đình giúp đỡ. Cô ấy đã trải nghiệm đi mua hoa đào, gói bánh chưng…
Ch Chiaki bày tỏ, ấn tượng đầu tiên về chồng là có nụ cười tươi, hiền lành và ăn nói nhẹ nhàng. Chị cảm thấy việc cả hai bên nhau là điều đương nhiên, không phải do lựa chọn.
“Đã có lúc tôi sợ một cuộc hôn nhân quốc tế vì không cùng văn hóa, ngôn ngữ và xa gia đình. Tôi cũng từng chứng kiến hôn nhân không hạnh phúc giữa hai người khác quốc tịch. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chuyện của người khác sẽ không giống chuyện của mình. Hơn nữa chồng tôi cũng thuyết phục bằng cách sẽ tạo ra câu chuyện của riêng mình”, người vợ trải lòng.
Tuy nhiên, chị cũng muốn anh Dũng sửa tính dễ nổi giận và “cải thiện” khả năng đoán vị trí, phương hướng. Khi đi du lịch, chị luôn là người nhìn vào bản đồ, xác nhận hướng đi để anh đi cùng. Cô gái ở xứ sở hoa anh đào đã tham quan Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An và Huế.
“Không chỉ ở Việt Nam, người Việt tôi gặp ở Pháp, Nhật Bản, Mỹ cũng rất tốt bụng. Tôi không biết nói lời cảm ơn bao nhiêu cho đủ. Dù tôi nói tiếng Việt không được tốt nhưng người dân địa phương vẫn khen ngợi, tôi thấy cảm kích vì điều đó”, người vợ Nhật chia sẻ.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/chuyen-tinh-chang-trai-viet-va-nguoi-vo-nhat-xinh-dep-hanh-trinh-ngao-du-cua-tuoi-tre-185240426121205299.htm