[
Đây là sự kiện thường niên do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông theo Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025. Năm 2024, sự kiện diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/5, tại Hà Nội.
Dữ liệu là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công
Chia sẻ trong chuyên đề “Chuyển đổi số – Chuyển đổi xanh”, ông Đặng Văn Tú – Giám đốc công nghệ Công ty CMC Global, cho biết bức tranh chuyển đổi số tại Việt Nam và khu vực châu Á đang diễn ra vô cùng tích cực và mạnh mẽ. Trong đó, dữ liệu là yếu tố then chốt để tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.
“Mọi bài toán chuyển đổi số đều liên quan đến dữ liệu. Lưu trữ dữ liệu có thể đơn giản nhưng xử lý dữ liệu thì khác. Tùy vào mục đích mà cần có hồ chứa data cũng như công cụ khai thác và cách xử lý hiệu quả”, ông Đặng Văn Tú nhận định.
Khai thác dữ liệu được coi là một trong những yếu tố then chốt trong các chủ trương, chính sách nhằm giúp Việt Nam chủ động tham gia cuộc Cách mạng lần thứ Tư (theo Nghị quyết số 52-NQ/TƯ của Bộ Chính trị). Với hơn 70% dân số sử dụng Internet, dữ liệu lớn (Big Data) sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế số, xã hội số cho Việt Nam.
Lời giải cho lưu trữ và xử lý dữ liệu trong thời chuyển đổi số
Dẫu biết rằng khai thác dữ liệu hiệu quả sẽ tạo ra những thay đổi lớn cho các doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số đã đạt được các thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp chưa rõ việc thực hiện chuyển đổi số sẽ bắt đầu từ đâu, lưu trữ và khai thác dữ liệu thế nào để vừa hiệu quả vừa đảm bảo an toàn bảo mật thông tin. Điều này xảy ra với tỷ lệ nhiều hơn ở các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, cũng như nhân lực hạn chế.
“Khối lượng dữ liệu ngày càng tăng cùng nhu cầu ra quyết định theo thời gian thực đặt ra bài toán khiến các doanh nghiệp cần có một hình thức tự động hóa tiên tiến hơn. Không chỉ thích ứng với các thay đổi, giải pháp này còn cần học hỏi từ tương tác và đưa ra các quyết định thông minh. Đây là lúc AI phát huy tác dụng”, ông Lường Anh Tuấn – Giám đốc mảng Tự động hóa quy trình kinh doanh (BPA) của CMC Global chia sẻ trong khuôn khổ sự kiện.
Bằng cách tích hợp BPA vào AI, các doanh nghiệp có thể tự động hóa các quy trình phức tạp mà những phương pháp truyền thống trước đây không thể, giúp tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như hiện tại, ông Lường Anh Tuấn cho biết thêm.
Để giải bài toán giúp tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp hướng tới mục tiêu hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong việc kiểm soát và xử lý dữ liệu, các chuyên gia công nghệ của CMC đã ứng dụng công nghệ AI, tự động hoá, low code, chuyển đổi hạ tầng điện toán đám mây để giảm tải server vận hành. Các quy trình vốn là thủ công như nhập liệu, điền giấy tờ,v.v nay đều đã được tự động hoá, giúp tiết kiệm thời gian, tài nguyên và chi phí vận hành.
Với biện pháp này, CMC Global đã hỗ trợ 1 doanh nghiệp hàng không 5 sao tiết kiệm 520,000 giờ lao động thủ công với 45 triệu giao dịch được xử lý bằng robot hàng năm. Cũng trong khuôn khổ phiên “Chuyển đổi số – Chuyển đổi xanh”, CMC Global mang đến giải pháp tự động hoá kết hợp công nghệ AI, một giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành cho doanh nghiệp lên đến hơn 80%./.