[
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng, theo quy định tại Điều 64 Luật Thương mại và thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay, dịch vụ phái sinh trong lĩnh vực thương mại bao gồm: Hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn là những dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).
“Trong sửa luật thuế VAT, chúng ta có một điều khoản liên quan đến dịch vụ phái sinh quy định tại điểm (g) khoản 9 Điều 5. Theo dự thảo Luật Thuế VAT cơ bản nội dung gần như không có sửa đổi gì với luật hiện nay”, đại biểu nêu rõ.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng điều khoản đó hiện nay đang có bất cập, theo dự thảo Luật thuế VAT dường như Chính phủ đang coi dịch vụ phái sinh chỉ ở trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và chứng khoán (theo Khoản 9, Điều 5).
Chuyên gia Phan Đức Hiếu cho biết, thực tế hiện nay, Điều 64 của Luật Thương mại thì dịch vụ phái sinh được quy định rõ là hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai, được giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam là dịch vụ phái sinh và đang thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.
Tuy nhiên, điều đó lại không được thể hiện rõ trong Luật thuế VAT hiện hành cũng như dự thảo Luật thuế VAT (sửa đổi).
Do đó, chuyên gia Phan Đức Hiếu kiến nghị sửa đổi điểm (g) khoản 9 Điều 5 của dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) theo hướng bổ sung thêm dịch vụ “hợp đồng quyền chọn” và thay thế thuật ngữ “Dịch vụ tài chính phái sinh” bằng “Dịch vụ phái sinh” (bao gồm cả lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán và thương mại), nhằm phản ánh chính xác hơn các dịch vụ phái sinh trong nhiều lĩnh vực, thay cho cụm từ “dịch vụ tài chính phái sinh”.
“Điều này nhằm bảo đảm tương thích Điều 64 của Luật thương mại, phản ánh đúng thực tế hiện nay và bảo đảm tính rõ ràng của luật”, chuyên gia Phan Đức Hiếu khẳng định.
Chung nhận định, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng bày tỏ đồng tình với việc bổ sung các quy định về các dịch vụ tài chính phái sinh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng trong dự thảo luật.
Theo đại biểu Cường, lý do là bởi chi phí dịch vụ tài chính phái sinh không làm tăng giá trị sản phẩm lên, cho nên không thể tính vào giá bán sản phẩm.
Đại biểu cho rằng, quy định dịch vụ tài chính phái sinh như hiện tại chưa đầy đủ, chỉ mới dừng ở lĩnh vực ngân hàng, còn lĩnh vực chứng khoán, giao dịch hàng hóa cũng cần phải đề cập đầy đủ ở dự thảo luật.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, nội dung dự thảo luật có nêu dịch vụ tài chính phái sinh quy định gồm “hoán đổi lãi suất, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai,… theo quy định của pháp luật”.
Theo đại biểu, quy định này chưa bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, có thể gây ra cách hiểu không thống nhất trong việc áp dụng chính sách thuế VAT, bởi ngoài lĩnh vực ngân hàng, các sản phẩm, giao dịch công cụ phái sinh còn hiện diện trong các lĩnh vực chứng khoán, thương mại…
Nguồn: https://nhandan.vn/can-dua-dich-vu-phai-sinh-thuong-mai-vao-luat-thue-vat-post815926.html