Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đa dạng hưởng ứng ngày 15/3 – Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, góp phần đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C Thăng Long.
Trên cơ sở Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thành phố Hà Nội đang triển khai Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2024 trên toàn địa bàn. Chương trình năm nay có chủ đề “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn” với nhiều điểm mới, nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, nhất là những chính sách kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Theo Sở Công thương Hà Nội, chương trình Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng năm nay có ba hoạt động chính, diễn ra sau Lễ phát động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Cụ thể, Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm Xanh vì người tiêu dùng” diễn ra từ ngày 24 đến 28/4 tại khu vực quảng trường La Mã – An Bình City (quận Bắc Từ Liêm) với quy mô 160 gian hàng. Các doanh nghiệp tham gia phải niêm yết rõ thông tin sản phẩm, giá bán, nguồn gốc xuất xứ, tính năng và hướng dẫn sử dụng, đồng thời, giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện các hoạt động tri ân vì người tiêu dùng như miễn phí dùng thử sản phẩm, tổ chức các hoạt động giao lưu kết nối…
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã được triển khai hơn 13 năm qua, nhưng vẫn còn nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp chưa nắm rõ, chưa hiểu đúng và chấp hành nghiêm. Bên cạnh đó, Luật mới sửa đổi sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2024 với nhiều quy định đã được điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Vì vậy, năm nay, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục trọng tâm vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đối tượng liên quan. Trong năm 2024, sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, màn hình led, loa tuyên truyền trên một số tuyến phố, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…, cung cấp các cẩm nang hỗ trợ, tài liệu, kiến thức hữu ích cho các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan. Đồng thời, Tổng đài tư vấn sẽ tổ chức tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp nhận các cuộc khiếu nại của người tiêu dùng khi bị xâm phạm quyền lợi và hỗ trợ kết nối đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết khiếu nại.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung cho biết, các quy định pháp lý trong luật lần này đã cụ thể hơn, chi tiết hơn. Do đó, khi luật có hiệu lực sẽ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần bị loại bỏ. Người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Bản thân người tiêu dùng cần mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm phạm quyền lợi để tham gia góp phần phát hiện, xử lý và xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh. “Chúng tôi luôn khuyến khích, vận động người tiêu dùng lên tiếng tự bảo vệ quyền lợi của mình. Có như vậy, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội mới biết và có cơ sở để vào cuộc”, ông Vũ Văn Trung nhấn mạnh.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2023, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp các đơn vị thanh tra, kiểm tra 472 cuộc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh vực như điện, nước, mua bán căn hộ chung cư… Đường dây nóng của thành phố, của Sở Công thương đã giải quyết kịp thời, thỏa đáng 29 đơn kiến nghị phản ánh của người tiêu dùng; tiếp nhận và giải đáp 12.453 cuộc qua tổng đài 024.1081 về Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của doanh nghiệp… “Chúng tôi luôn định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung ứng của mình, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Cùng với cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị-xã hội như Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, hội, hiệp hội doanh nghiệp… cũng cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ để phối hợp bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua sắm ■