[
Nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Ngọc Lâm (Q.Long Biên, TP.Hà Nội), những ngày gần cuối tháng 7.2024, dù đang trong kỳ nghỉ hè nhưng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều vẫn đón tiếp nhiều đoàn khách đến thăm. Cũng chính nơi này đã góp phần tạo nên một trí tuệ và nhân cách lỗi lạc của đất nước: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Tôi học 10B Nguyễn Gia Thiều”
6 năm theo học Trường cấp 2 – cấp 3 Nguyễn Gia Thiều (1957 – 1963), dấu ấn của học trò Nguyễn Phú Trọng ngày nào lưu lại trong phòng truyền thống của nhà trường là 2 tấm ảnh cũ. Một tấm với vóc dáng thư sinh, một tấm khác chụp chung với 2 người bạn là Ngô Bá Dục, Hoàng Văn Tài. Sổ đăng bộ của nhà trường vẫn còn lưu bút tích của học trò Nguyễn Phú Trọng “nhận học bạ vào ngày 14.9.1963”, “nhận bằng tốt nghiệp ngày 19.11.1963” cùng hai chữ ký.
Cùng với đó là 3 bài thơ do chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng tác và chép tay lại: Nhớ trường (tháng 11.1963), Mùa hoa phượng (tháng 5.1963), Năm cuối cùng của đời học phổ thông (tháng 9.1962). 3 bài thơ đều được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng tác vào năm cuối cấp (lớp 10), viết trên giấy không kẻ ô nhưng vẫn thẳng tắp, nét chữ đều tăm tắp. Bài thơ Năm cuối cùng của đời học phổ thông có đoạn:
Tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu
Tôi học 10B Nguyễn Gia Thiều
Nay đã trở nên “người anh cả”
Cuộc đời vui bay bổng cánh diều
Ừ, đúng rồi, nay đã là “anh cả”
Năm cuối cùng của đời học phổ thông
Rồi mai đây trên muôn phương khắp ngả
Tổ quốc chờ ta – rộn rã sắc hồng.
Trong 3 bài thơ được sáng tác hơn 60 năm về trước, cậu học trò Nguyễn Phú Trọng cũng có câu thơ về tình yêu tha thiết với thầy cô, bè bạn trường Nguyễn Gia Thiều. Cũng trong 3 bài thơ ấy, cậu học trò bay bổng ngày nào, như bao người trẻ khác, mang nặng tâm tư và hoài bão, muốn được sống một cuộc đời không tẻ nhạt, không “sống hoài, sống phí”.
Ta còn đếm những mùa hoa phượng nở
Sẽ còn nghe rộn rã tiếng ve kêu
Trong nhịp bước đường đời đang rộng mở
Của ngày mai trên Tổ quốc thân yêu
(Bài thơ Mùa hoa phượng)
Hay:
Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa
Năm cuối cùng của thời học phổ thông
Hay cứ để cuộc đời trôi lặng lẽ
Theo thời gian tẻ ngắt, lạnh lùng?
(Bài thơ Năm cuối cùng của đời học phổ thông)
Và rồi, mang hoài bão tuổi 18 – 19 ấy, học trò Nguyễn Phú Trọng đã bước tiếp, đã đi rất xa, đã trở thành nhà lãnh đạo lỗi lạc của đất nước. Và sau hơn 60 mùa “hoa phượng nở”, trái tim lớn của đất nước vừa ngừng đập trong nỗi tiếc thương của muôn triệu nhân dân.
Một số hình ảnh khác về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng truyền thống Trường THPT Nguyễn Gia Thiều
Chạy xe máy về họp lớp, vỗ vai thăm hỏi bảo vệ trường
Mấy hôm nay, lá cờ trong sân Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã được thêm dải băng đen trở thành cờ rủ.
Thầy giáo Đỗ Văn Khoa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, không giấu được niềm xúc động: “Sau khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, cá nhân tôi rất buồn và hụt hẫng, cảm giác như mất đi một người thân trong gia đình. Đó cũng là cảm xúc chung của tập thể cán bộ, nhân viên và học sinh nhà trường, bởi tất cả đều dành cho bác Trọng một tình cảm rất sâu sắc”.
Từ khi giữ vai trò quản lý, thầy Khoa đã 2 lần vinh dự được gặp gỡ, đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Có lần, tôi được cùng Chi ủy nhà trường đến mời bác dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường. Bước chân vào phòng làm việc của bác, tôi ngỡ ngàng khi nó rất đơn giản; chỉ có một bàn tiếp khách và một bàn làm việc với nhiều tài liệu”, thầy Đỗ Văn Khoa bồi hồi nhớ lại.
Thầy Khoa kể tiếp: “Lúc ấy, nhà trường mời bác về dự, bác nhận lời nhưng nhà trường cũng không dám nghĩ 100% bác sẽ đến, nhưng tới ngày kỷ niệm bác đã có mặt. Về gặp các giáo viên, bác vẫn gọi các giáo viên trong trường là “thầy cô” và xưng mình là “em”. Bác nói hãy giới thiệu bác là một cựu học sinh. Tại lễ kỷ niệm, bác đã có một bài phát biểu với tư cách là cựu học sinh”.
Không chỉ có các cán bộ quản lý mà ngay cả những nhân viên của trường cũng có kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Ngô Văn Đường (59 tuổi, Tổ trưởng Tổ Văn phòng) cho biết, suốt hơn 30 năm công tác tại trường, ông đã nhiều lần được vinh dự gặp gỡ Tổng Bí thư.
Ông Đường kể: “Thời làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản và Bí thư Thành ủy Hà Nội, bác Trọng vẫn thường xuyên về trường để dự họp lớp. Lúc ấy, tôi làm bảo vệ trường thấy bác thường tự lái xe máy về. Tới cổng, bác xuống xe rồi nói “cho mình vào họp lớp”. Tôi pha nước, rót mời thì bác vỗ vai hỏi “cậu quê ở đâu?”; tôi trả lời “cháu quê Đông Anh”. Sau đó bắt đầu hình thành tình cảm đồng hương”.
Ông Ngô Văn Đường kể lại, ngay cả khi là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng mỗi khi về trường, Tổng Bí thư đều dừng xe ở ngoài đường và đi bộ qua cổng để vào bên trong.
“Tôi và gia đình thường xuyên theo dõi tình hình của bác Trọng. Hôm trước, mẹ tôi đọc báo biết tin bác mất đã xúc động mà bật khóc. Tiếc, tiếc một người tài như thế. Không phải tôi mà nhiều người thấy vậy, cảm thấy đột ngột mất đi một người tài, gần dân, nhiệt huyết”, ông Ngô Văn Đường xúc động chia sẻ.
Những ngày này, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã dừng hết các hoạt động vui chơi giải trí, chỉ tập trung vào những hoạt động liên quan đến chuyên môn và các hoạt động tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dự kiến ngày 25.7, ngày đầu của lễ Quốc tang, trường sẽ làm nghi lễ kéo cờ và tổ chức lễ tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo thầy Đỗ Văn Khoa (Phó hiệu trưởng nhà trường), tới đây, nhà trường sẽ đưa vào kế hoạch giảng dạy về nội dung giáo dục truyền thống để các thế hệ học sinh được học tập tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thanhnien.vn
Nguồn: https://thanhnien.vn/3-bai-tho-thuo-hoc-tro-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-185240722170849822.htm