Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hành trình vươn mình của huyện nghèo

Đã gần 5 năm trôi qua, huyện Mù Cang Chải đang tiến gần hơn với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo. Đất và người Mù Cang Chải hôm nay đã vươn mình mạnh mẽ, được bạn bè quốc tế và trong nước biết đến bằng sự tươi đẹp, đổi mới và ngày càng tiến bộ, thay vì sự nghèo nàn, lạc hậu của quá khứ.

Báo Yên BáiBáo Yên Bái10/04/2025

>> 
>> 
>> 
>> 
>> 

Xác định chủ trương phát triển phù hợp
Từ nhiều năm nay, huyện Mù Cang Chải luôn xác định những bất lợi, khó khăn kìm hãm sự phát triển của huyện đến từ nhiều phía. Ông Lương Văn Thư - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện chia sẻ: "Khi phát triển kinh tế hàng hóa, huyện gặp nhiều khó khăn từ địa hình, khí hậu, cơ sở hạ tầng cho đến trình độ canh tác của nhân dân. Bởi vậy, chúng tôi luôn nỗ lực tham mưu cho huyện phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, tích cực hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đồng hành cùng nhân dân mọi lúc, mọi nơi trong quá trình sản xuất”. 
Năm 2021, huyện Mù Cang Chải ban hành 2 đề án về phát triển cây ăn quả và vùng dược liệu nhằm định hướng hỗ trợ nhân dân phát triển cây dược liệu và hồng giòn không hạt, lê tai nung để tránh được những tác động từ khí hậu khắc nghiệt của địa phương, tạo ra các sản phẩm hàng hóa phù hợp, có giá trị, mang tính đặc trưng. 
Ngoài ra, huyện cũng đã hỗ trợ nhân dân phát triển các sản phẩm đặc trưng sẵn có theo hướng mở rộng diện tích, nâng tầm và kết nối tiêu thụ để phù hợp với cơ chế thị trường. Đến nay, toàn huyện đã hình thành và phát triển được trên 320 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 450 tấn. 
Trong đó, có trên 200 ha vùng chuyên canh; 2.350 ha cây dược liệu, sản lượng đạt trên 2.000 tấn; vùng trồng hoa hồng lên tới 82 ha; vùng trồng rau sạch khoảng 30 ha; vùng sản xuất lúa nếp tan 400 ha; vùng sản xuất lúa Séng cù khoảng 250 ha; 5 mô hình nuôi cá nước lạnh…
Đẩy mạnh phát triển du lịch cũng là một chủ trương đã được khẳng định đúng đắn khi khai thác tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người, mang lại doanh thu trên 388 tỷ đồng, thu hút 370.000 người trong năm 2024. Kết quả này có được bằng việc xác định rõ 5 khâu đột phá, 32 nhiệm vụ, 16 chỉ tiêu rõ ràng trong Đề án xây dựng huyện du lịch để tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức phát triển du lịch, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, tăng cường giới thiệu, quảng bá…
Ngoài ra, huyện còn triển khai hỗ trợ cho các hộ gia đình làm dịch vụ homestay vay không lãi suất; hỗ trợ học nghề về làm dịch vụ, du lịch; có cơ chế hỗ trợ nhân dân khôi phục, phát triển một số nghề truyền thống và sản vật có giá trị lịch sử của người Mông. 
Từ năm 2021 - 2024, huyện đã huy động được trên 1.083 tỷ đồng đầu tư cho Đề án, trong đó nguồn xã hội hóa là 65,3 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng cùng sản phẩm du lịch từng bước được hình thành rõ nét, chất lượng và sự chuyên nghiệp hóa nâng cao rõ rệt. 
Du lịch đã thực sự tạo thu nhập, việc làm cho trực tiếp các cơ sở lưu trú và nhiều lao động địa phương tham gia vào hệ sinh thái du lịch như: cơ sở kinh doanh, bán lẻ hàng hoá, xe ôm, porter, hướng dẫn viên bản địa… Sức chi tiêu bình quân của du khách tăng từ 570.000 đồng/người/năm 2021 lên 1.050.000 đồng/người/năm 2024. 
Dành nhiều quan tâm, hỗ trợ cho hộ nghèo
Sau khi được hỗ trợ tham gia vào chuỗi liên kết lê tai nung, gia đình anh Mùa A Trừ ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông đã có sinh kế mới và thay đổi tư duy tự cung, tự cấp đã nhiều năm ăn sâu bám rễ. 
Anh Trừ chia sẻ: "Tôi được hỗ trợ cây giống, được hướng dẫn tất cả các tiến bộ kỹ thuật; được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, tư vấn biện pháp khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ diện tích lê theo từng giai đoạn sinh trưởng, được ký biên bản ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm. Cây lê đang phát triển khá tốt, dự kiến sang năm bắt đầu được thu hoạch. Chẳng lâu nữa, mỗi năm có thể thu một vài chục triệu đồng từ lê đấy”. 
Còn gia đình anh Giàng A Rùa ở bản Chế Tạo, xã Chế Tạo chia sẻ: "Vừa qua, được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng cùng với số tiền gia đình đã tích luỹ, gia đình tôi đã xây dựng được nhà ở kiên cố, an toàn, vững tin thoát khỏi hộ nghèo trong năm nay”. 


Từ năm 2023 đến nay, trên 1.000 ngôi nhà ở huyện Mù Cang Chải đã được xây mới và sửa chữa, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo. 
Ở Mù Cang Chải, các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các chính sách. Từ năm 2021 - 2024, huyện Mù Cang Chải đã chi trả các chế độ chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo gồm: 442,2 tỷ đồng cho 347.941 lượt học sinh với các chế độ ăn trưa, chi phí học tập, cấp bù học phí, chế độ học sinh nội trú, bán trú; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 255.648 người với tổng kinh phí 240,6 tỷ đồng; giải quyết cho 4.250 lượt hộ nghèo vay ưu đãi với số tiền là 246,3 tỷ đồng, 1.188 lượt hộ cận nghèo vay ưu đãi với số tiền 64,4 tỷ đồng, 679 lượt hộ mới thoát nghèo vay ưu đãi… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế. 
Huyện cũng luôn xác định phải triển khai, tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đặc biệt là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để hỗ trợ nhân dân giảm nghèo. Từ năm 2021 - 2024, với nguồn vốn 1.093,1 tỷ đồng từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai đầu tư, duy tu, bảo dưỡng 104 công trình giao thông, giáo dục, thủy lợi, nước sạch…; hỗ trợ 482 hộ nghèo và cận nghèo làm nhà ở; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo; cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm… 

Tự lực, tự cường với khát vọng vươn lên
Sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Nhà nước, xã hội sẽ giúp tháo gỡ khó khăn bước đầu cho người nghèo nhưng làm thế nào để từng bước thay đổi nhận thức của đồng bào, xóa tâm lý trông chờ ỷ lại, để họ tự vươn lên trong cuộc sống cũng rất quan trọng. Vì thế, hằng năm, công tác này được huyện Mù Cang Chải tích cực triển khai bằng nội dung, hình thức phong phú, đa dạng với phương châm "vừa trao cần câu vừa chỉ cách bắt cá” để các đối tượng yếu thế tự đứng vững trên đôi chân của mình. 
Ông Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: "Xã chú trọng tuyên truyền, vận động hộ nghèo thay đổi nhận thức, để họ thấy rõ nghèo khó là một sự thiệt thòi cần phải nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo chứ không phải là một "danh hiệu” để cố duy trì, gìn giữ. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cách thức tuyên truyền này đã giúp Nậm Khắt hoàn thành tiêu chí giảm nghèo với tỷ lệ nghèo đa chiều còn 11,14%, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”. 
Cán bộ, đảng viên tại các xã, thị trấn cũng được phân công phụ trách theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, giúp đỡ từng hộ nghèo. Trên cơ sở nắm chắc hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo, các địa phương đã xác định đối tượng nghèo chính xác, cụ thể, không bỏ sót, bảo đảm công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội; đồng thời tổ chức dạy nghề, tập huấn, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật để các hộ nghèo biết cách tạo sinh kế. 
Trong quá trình thực hiện công cuộc giảm nghèo, cán bộ, đảng viên cũng đã tích cực phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, nổi bật như: cán bộ, đảng viên đi đầu trong phát triển kinh tế, thủ lĩnh Đoàn tiên phong... 
Họ không chỉ dám thử nghiệm những mô hình kinh tế mới, nói trước, làm trước mà còn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức tích lũy, tạo niềm tin, động lực để đồng bào học và làm theo. Bên cạnh đó, công tác thi đua - khen thưởng cũng được chú trọng. Nhiều gương mặt tiêu biểu, nhiều phong trào, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả được tuyên truyền rộng rãi, được cấp ủy, chính quyền các cấp biểu dương cũng đang góp phần xóa đi tâm lý trông chờ ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước.
Nhìn lại hành trình đã qua có thể thấy rõ Mù Cang Chải đã vươn mình mạnh mẽ đến nhường nào. Thu nhập bình quân đầu người ở Mù Cang Chải đạt gần 35 triệu đồng/người/năm, tăng gần 15 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Trung bình mỗi năm, huyện giảm được 9,45% hộ nghèo; riêng năm 2024, tỷ lệ giảm nghèo là 10,03%, còn 28,42% theo chuẩn nghèo đa chiều mới, tương đương với 3.868 hộ nghèo và là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ giảm nghèo. Mục tiêu phấn đấu của Mù Cang Chải đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo chắc chắn sẽ thành hiện thực.
Hoài Anh

Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/215/348525/Hanh-trinh-vuon-minh-cua-huyen-ngheo.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm