Dòng Trường Giang Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng, trải qua hơn 4.200 km đổ suôi về phương Nam, băng qua 6 quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, để cuối cùng trước khi đổ ra biển lớn, dòng sông đã tạo nên một vùng đồng bằng trù phú, một miền đất phù sa bồi đắp: Đồng bằng sông Cửu Long…
Dòng sông mẹ Mekong khi chảy vào đất Việt, lại mang cái tên rất đẹp: sông Cửu Long (hay còn gọi là Cửu Long Giang). Đó chính là đặc điểm thực tế khi vào đến Việt Nam, sông Mekong chia tách thành hai dòng chính là Tiền Giang và Hậu Giang, sau đó hai dòng sông này lại phân nhánh chạy ngang dọc, bồi đắp phù sa màu mỡ cho vùng đồng bằng rồi đổ ra biển Đông bằng 9 cửa.
Có lẽ, đây là cơ sở để các bậc cha ông khai phá ra đất Nam Bộ đặt tên cho đoạn sông này là Cửu Long. Đây cũng chính là cảm hứng để tôi thực hiện hành trình khám phá vùng đất Chín Rồng, bằng cách đi dọc theo 9 cửa sông lộng gió.
Tuy vậy, trên thực tế, cửa Ba Lai thuộc tỉnh Bến Tre đã được thay bằng hệ thống đập ngăn mặn (đưa vào sử dụng 2002). Cửa Ba Thắc theo các tài liệu cũ thì nó nằm trên địa phận cù lao Dung (Trà Vinh), nhưng nhiều năm nay, kể cả dân bản địa cũng không nhớ chính xác cửa sông này nằm chỗ nào.
Lý do rất đơn giản, theo thời gian, sự bồi đắp phù sa liên tục, cũng như việc thay đổi một số dòng chảy tự nhiên, cửa Ba Thắc đã bị vùi lấp từ lâu. Do đó, huyền thoại vùng đất Rồng với 9 cửa sông, thực tế chỉ còn 7 cửa.
Cho dù tự nhiên có sự thay đổi lớn như thế nào, điều quan trọng nhất vẫn là dòng sông Mẹ vĩ đại đã tạo nên một vùng đất an lành, cơ sở để hình thành một trong những cộng đồng dân cư với nhiều nét văn hoá đặc sắc, góp phần rất lớn trong kho tàng văn hoá Việt Nam.
Nhiều thế kỷ trôi qua, kể từ khi chúa Nguyễn tiến vào khai hoang lập ấp, vùng đất Nam Bộ nằm xen giữa những dòng sông, luôn là nơi giao thoa và hội tụ những phẩm chất vô cùng độc đáo, mà gọi theo kiểu dân dã, chính là nét “văn hoá miệt vườn” hào sảng.