Đến nhà máy, học sinh được tìm hiểu từ quá trình ra đời của mì ăn liền đến quan sát thực tế quy trình sản xuất. Anh Đặng Quang Vinh – nhân viên PR văn phòng tổng giám đốc – cho biết năm 1948, từ một nhà máy ban đầu chỉ làm bánh, kẹo… ở Nhật Bản, sau đó chuyển sang sản xuất mì ăn liền. Đến năm 1993 thì Acecook được đưa vào Việt Nam.
Tính đến nay Việt Nam đã có 11 nhà máy và 6 chi nhánh, sản xuất hàng tỉ gói mì phục vụ người tiêu dùng khắp mọi miền Việt Nam và xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia trên thế giới. Mỗi tháng công ty đều nhận các đoàn về tham quan học hỏi.
“Những hoạt động ngoại khóa được nhà trường, công ty mong muốn cùng tạo ra những hoạt động ngoài giờ học giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các em học sinh. Đặc biệt đến đây các bạn sẽ được hiểu đúng hơn, tránh những hiểu lầm không đáng có về mì ăn liền như mì là nguyên nhân gây nóng trong người, thậm chí có người tin mì gây ung thư…” – anh Đặng Quang Vinh nhấn mạnh.
Tại nhà máy, học sinh được quan sát quy trình sản xuất khép kín, với hệ thống dây chuyền hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp theo đại diện nhà máy giải đáp thắc mắc, giao lưu giữa doanh nghiệp cùng học sinh về những kiến thức cơ bản liên quan đến mì ăn liền. Tại đây, các bạn học sinh tham gia trả lời nhiều câu hỏi vui trắc nghiệm và nhận quà của chương trình.
Bạn Thanh Trúc – học sinh lớp 8 Trường THCS Đồng Khởi chia sẻ thường xuyên ăn mì gói, nhưng tới nay mới được đến tham quan nơi làm ra một gói mì. “Tụi em được nghe các anh chị nói về cách làm ra một gói mì. Em cũng được gọi lên để kể tên 5 thành phần chính trong từng gói mì mà tụi em ăn thường ngày. Em thấy rất vui vì được đi tới đây cùng cả lớp. Đi học như đi chơi”.
Sau khi tìm hiểu được quy trình sản xuất, học sinh được thưởng thức những ly mì ngay tại chỗ. Đây là một trong những nội dung được rất nhiều học sinh yêu thích.
Cô Phạm Thị Huyền Diệu – giáo viên Trường THCS Đồng Khởi – cho rằng chuyến tham quan là một trong những hoạt động ngoại khóa của nhà trường tổ chức cho học sinh, giúp các em có những giờ thoải mái và đem lại nhiều điều bổ ích.
“Đây là một hoạt động thiết thực với các em học sinh lớp 8. Là giáo viên chủ nhiệm và cũng là người hướng dẫn các em đến nhà máy, tôi mong các em học sinh nâng cao hiểu biết về cuộc sống xung quanh và nghề nghiệp trong xã hội. trau dồi kiến thức và vốn sống ngoài những giờ học trên lớp. Tôi muốn các em học sinh được thoải mái” – cô Phạm Thị Huyền Diệu bày tỏ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hanh-trinh-thu-vi-trai-nghiem-nha-may-acecook-viet-nam-20241004120824516.htm