video-element" data-id="cF0JOSlQui61Njrg3jJfBQa_b_ca_b_c">
Chị sinh bị bệnh vảy nến đã 10 năm.
10 năm mang bệnh, bị mọi người xa lánh, chị Nguyễn Thị Sinh (40 tuổi quê Hải Dương) lặn lội 80km lên Hà Nội với hy vọng có thể tìm lại cuộc sống của người bình thường.
Ngồi bên hành lang phòng khám chờ đến lượt, mọi người đều nhìn chị bằng ánh mắt dò xét, tò mò, họ ngại ngùng không muốn ngồi gần. 10 năm nay chị sống trong mặc cảm tự ti, sự xa lánh của người đời đã thành quen.
Chị Sinh chắp tay, miệng lẩm bẩm mong cầu lần này sẽ có phép màu đến với bản thân, để những đau đớn, tủi hờn thời gian qua của chị có thể kết thúc.
Bác sĩ gọi tên, chị Sinh lê cơ thể mệt mỏi vào phòng bệnh sau một đêm hồi hộp mất ngủ. Đôi mắt chị đỏ ngầu, phần vì thiếu ngủ, phần khác vì vết thương sưng đau nơi khoé mắt. Cơ thể chẳng chịt những mảng vảy đỏ, bong tróc và mưng mủ, chị ngại ngùng ngồi cách xa bác sĩ vì sợ lây bệnh cho người khác.
10 năm trước, cơ thể chị xuất hiện mảng sần nhỏ bằng đầu ngón tay, nhưng chủ quan nên không đi thăm khám. Khi các mảng vảy ngày càng lan rộng, có những mảng rộng bằng bàn tay, chị mới đến bệnh viện địa phương để thăm khám và được chẩn đoán mắc vảy nến thể mảng. Chị chạy chữa nhiều năm nhưng bệnh không khỏi.
Mắc bệnh 2 năm, do phác đồ điều trị tốn kém, ái ngại cơ thể nên chồng chị Sinh đề nghị ly hôn. Chị trở về nhà mẹ đẻ ở cùng mẹ và vợ chồng em trai.
“Ai nhìn thấy tôi cũng tránh xa, họ sợ lây bệnh”, chị Sinh bật khóc nhớ lại những ánh mắt kỳ thị mọi người dành cho mình.
Người phụ nữ tâm sự, đau đớn của bệnh tật không bằng nỗi đau khi bị chính người chồng đầu ấp tay gối ruồng bỏ, bị hàng xóm láng giềng xa lánh. Niềm an ủi duy nhất là mẹ già thương chị, và người em dâu không chê, luôn hết lòng chăm sóc mỗi lần bệnh trở nặng.
Trực tiếp điều trị cho chị Sinh, Ths.Bs CKII Nguyễn Tiến Thành, Hội Da liễu Việt Nam cho biết, bệnh vảy nến (psoriasis) là một trong những bệnh da mạn tính rất thường gặp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó có cả trẻ em. Bệnh biểu hiện bởi những sẩn, mảng đỏ, bong vẩy trắng ở trên da.
Cơ chế bệnh sinh của bệnh vảy nến vẫn còn chưa được sáng tỏ hoàn toàn, tuy nhiên bệnh liên quan đến yếu tố gene và rối loạn miễn dịch trong cơ thể. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, song có thể kiểm soát để bệnh ổn định và không bùng phát. Với trường hợp của chị Sinh do chưa điều trị đúng cách dẫn đến tình trạng vảy nến ngày càng tăng nặng.
May mắn, sau 5 tháng kiên trì điều trị theo liệu trình riêng, hiện da của chị Sinh dần cải thiện, không còn các vết bong vẩy, mẩn đỏ như trước.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu ai có bất thường trên da cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Đặc biệt, với bệnh vảy nến, bệnh nhân không nên lo lắng, vì có thể khiến bệnh nặng hơn, hiện có nhiều phương pháp khống chế, quản lý bệnh này. Bên cạnh đó, người bệnh không nên tự chữa theo phương pháp dân gian, tự mách nhau vì có thể khiến bệnh nặng hơn.
Nhiều nghiên cứu chứng minh thuốc nam, lá không phải phương pháp điều trị bệnh vảy nến. Chưa kể, bệnh nhân đắp các loại lá, tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc đi khi thuốc chống chỉ định… dễ làm kích ứng khiến khó chịu, bùng phát bệnh nặng hơn.