Chuyển đổi năng lượng
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5 phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030 và lên đến 67,5-71,5% định hướng đến năm 2050. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ gần đây đã tạo bước phát triển vượt bậc của năng lượng tái tạo.
Theo các chuyên gia, chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam xác định đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có việc tăng cường độc lập về năng lượng, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng nội địa, hạn chế phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu là mục tiêu hàng đầu, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các đường cung cấp năng lượng nhập khẩu dễ bị tổn thương và giá cả biến động.
Phát triển năng lượng tái tạo, kết hợp với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đã tạo thành lợi thế hàng đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Từ mức công suất không đáng kể vào năm 2018, đến nay, tổng công suất các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 30% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia.
Đánh giá về Quy hoạch điện VIII, TS. Trần Thanh Liễn, Viện Năng lượng và Môi trường, cho rằng: Điều này đáp ứng về mục tiêu bền vững và cam kết của Việt Nam đối với quốc tế. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng có thể sẽ chứng kiến giá điện trên thị trường giao ngay sẽ biến động rất lớn thậm chí phải buộc dừng phát điện ở một số nhà máy năng lượng tái tạo (như thời gian qua) nên sẽ phải chuẩn bị rất kỹ để quản trị tốt những thách thức không nhỏ về ổn định hệ thống điện.
Năm 2022, Bộ Công Thương đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời (ĐMT). Đối tượng tham gia đấu thầu là các dự án ĐMT, điện gió đã và đang triển khai đầu tư, nhưng không kịp đưa vào vận hành đúng mốc thời gian theo quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, việc đấu thầu giá điện để chọn nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo lại vướng vì thiếu cơ sở pháp lý để triển khai. Bởi theo quy định Luật Đầu tư, Luật Giá và Luật Điện lực, không thể thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư với tiêu chí giá bán điện cạnh tranh là tiêu chí giá trúng thầu.
Vì vậy, TS Trần Thanh Liễn đề xuất cần bổ sung/sửa đổi các quy định về một số tiêu chí đặc thù chọn nhà đầu tư năng lượng tái tạo, mua sắm thiết bị hiệu suất năng lượng cao như: tiêu chí giá bán điện cạnh tranh, tiêu chí hiệu quả năng lượng trong vòng đời của thiết bị (thay thế tiêu chí giá thiết bị năng lượng thấp nhất) trong Luật Điện lực cùng hệ thống luật và các văn bản dưới các luật khác liên quan.
Nghiên cứu công nghệ lưu trữ điện năng
Tính bất định của năng lượng tái tạo đòi hỏi luôn phải có nguồn dự phòng. Theo TS Trần Thanh Liễn, công nghệ lưu trữ điện năng (pin lưu trữ, thủy điện tích năng) là giải pháp hiệu quả nhất cho vận hành các nhà máy điện năng lượng tái tạo và hệ thống điện. Tuy nhiên, do giá thành cao đối với pin lưu trữ nên mới phát triển/thực hiện dự án thí điểm ở quy mô nhỏ.
Quy hoạch điện VIII dự kiến phát triển quy mô pin lưu trữ điện là 300 MW và thủy điện tích năng là 2.400 MW đến năm 2030. Để tận dụng tối đa và vận hành hiệu quả nguồn điện năng lượng tái tạo/hệ thống điện và phát triển áp dụng công nghệ lưu trữ điện năng trên diện rộng trong tương lai (chi phí công nghệ lưu trữ năng lượng trên thế giới có xu thế giảm), ông Liễn đề xuất nghiên cứu và bổ sung giá mua/bán điện đối với công nghệ lưu trữ điện để làm cơ sở thúc đẩy khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và phát triển loại hình này.
TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách Khoa, nhấn mạnh: Bản chất công nghệ lưu trữ điện năng là lưu trữ điện lúc dư thừa (giờ thấp điểm) và phát lại vào giờ cao điểm. Chỉ có lưu trữ điện, nhân loại mới có thể loại bỏ được hoàn toàn các loại hình phát điện dùng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.
Có nhiều loại hình lưu trữ điện, song hiện nay, hai công nghệ được dùng phổ biến là thủy điện tích năng và công nghệ điện hóa (lưu trữ điện bằng pin).
Bản chất của công nghệ thủy điện tích năng là dùng năng lượng mặt trời lúc dư thừa để bơm nước lên một hồ chứa ở trên cao và xả nước làm quay tuabin phát điện vào giờ cao điểm. Công nghệ này chiếm khoảng 90% tổng điện năng lưu trữ trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, năm 2022, chúng ta đã khởi công xây dựng nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái (Ninh Thuận) tổng công suất 1.200MW, với tổng chi phí 21.000 tỷ đồng và sẽ phát điện vào năm 2029. Ông Hưng hy vọng, khi nhà máy này hoạt động sẽ tận dụng được hầu hết điện năng dư thừa của một số nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận.
“Tuy nhiên, công nghệ lưu trữ được gọi là công nghệ dành cho nhà giàu vì rất đắt đỏ. Người ta cũng tính được là khi áp dụng công nghệ lưu trữ thì giá ĐMT sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với hiện tại, kéo theo giá điện sẽ tăng. Có lẽ vì vậy, ngay trong Quy hoạch điện VIII, chúng ta mới đề ra chỉ tiêu rất khiêm tốn là đến năm 2030 thủy điện tích năng chiếm 1,6%, ứng với 2.400MW và pin lưu trữ chiếm 0,2%, ứng với 300MW”, TS Lê Hải Hưng chia sẻ.
Lương Bằng