Bất chấp những khác biệt đôi khi khiến quan hệ căng thẳng, xung đột bùng nổ ở Dải Gaza tái khẳng định Mỹ và Israel vẫn gắn bó chặt chẽ.
Wall Street Journal hôm 25/10 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết nước này đã thuyết phục được Israel hoãn mở chiến dịch trên bộ nhằm vào Dải Gaza cho tới khi hệ thống phòng không của Washington có thể được triển khai trong khu vực, sớm nhất vào cuối tuần này.
Trung tướng Herzi Halevi, tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cũng thừa nhận quân đội nước này đã trì hoãn chiến dịch tấn công vào Dải Gaza vì các lý do “chiến thuật, chiến dịch và chiến lược”, dù đã chuẩn bị đầy đủ cho kế hoạch tiến quân.
Giới quan sát cho rằng những động thái này thể hiện ảnh hưởng của Mỹ đối với Israel, đồng minh thân cận nhất của nước này ở Trung Đông. Ảnh hưởng này được hình thành từ quan hệ gần gũi cũng như sự ủng hộ vững chắc mà Washington dành cho Tel Aviv trong nhiều thập niên qua.
Mỹ ủng hộ thành lập nhà nước Do Thái sau Thế chiến II, nhưng trong những thập kỷ đầu tiên, mối quan hệ này không được Washington chú trọng. Chỉ đến khi Chiến tranh 6 ngày năm 1967 giữa Israel và các nước Arab nổ ra, quan hệ hai bên mới bắt đầu phát triển.
Trong cuộc chiến đó, Israel đã đánh bại liên minh các nước Arab vốn có lực lượng áp đảo, chịu thương vong tương đối thấp dù nhận rất ít sự giúp đỡ từ bên ngoài. Cuộc chiến đã giúp Israel kiểm soát các vùng lãnh thổ mới gồm Dải Gaza và Bờ Tây.
Khi Chiến tranh 6 ngày nổ ra, Mỹ đã lo ngại ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực và xung đột có thể mở rộng thành cuộc chiến ủy nhiệm thời Chiến tranh Lạnh nếu tiếp tục leo thang. Song Israel đã nhanh chóng chấm dứt nó và biến mình thành đồng minh hấp dẫn với Mỹ.
“Điều quan trọng về cuộc chiến năm 1967 là Israel đã đánh bại các nước Arab trong 6 ngày mà không có sự hỗ trợ quân sự của Mỹ”, Joel Beinin, giáo sư lịch sử Trung Đông tại Đại học Stanford ở Mỹ, nói, thêm rằng nó khiến cho Washington thấy họ cần “kết nối” với Tel Aviv và biến nước này thành đồng minh thân cận nhất.
Mỹ ban đầu chủ yếu tặng vũ khí cho Israel, cũng như cho phép họ vay vốn từ ngân hàng Mỹ với lãi suất thấp hơn thị trường để tăng cường phát triển trong nước. Trong những năm 1980-1990, Mỹ và Israel bắt đầu hợp tác nghiên cứu và sản xuất vũ khí. Năm 1999, khi tổng thống Bill Clinon thúc đẩy hòa bình lâu dài giữa Israel và các nước láng giềng Arab, Washington đã ký bản ghi nhớ đầu tiên về cam kết viện trợ quân sự hàng tỷ USD mỗi năm cho Tel Aviv.
Kể từ Thế chiến II, Mỹ đã viện trợ cho Israel 158 tỷ USD, nhiều hơn số mà Washington cung cấp cho bất kỳ quốc gia nào khác.
Sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, số tiền đó đã giúp thúc đẩy những tiến bộ trong công nghệ trinh sát và tình báo của Israel. Cho tới những năm 2000, những công nghệ này của Israel “ít nhất là bằng và thậm chí có những khía cạnh tốt hơn của Mỹ”, theo Beinin.
Năm 2011, Israel triển khai Vòm Sắt, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn sử dụng công nghệ radar để đánh chặn rocket do Hamas và các nhóm chiến binh khai hỏa. Hệ thống sử dụng các bộ phận do Mỹ chế tạo và được Washington tài trợ một phần ngân sách.
Israel hiện nhận được 3,8 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm từ Mỹ theo bản ghi nhớ ký năm 2019. Con số này chiếm khoảng 16% tổng ngân sách quân sự của Israel năm 2022.
“Quan hệ này đóng vai trò lớn trong trong sự phát triển vượt bậc của lực lượng vũ trang Israel”, Michael Hanna, giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói. “Quan hệ của Israle với Mỹ là duy nhất trong khu vực và điều đó được thể hiện qua cam kết duy trì vị thế quân sự của Israel, nhằm đảm bảo quân đội của Tel Aviv vẫn vượt trội hơn bất kỳ nước nào trong khu vực”.
Israel cũng đã phát triển khả năng sản xuất tiên tiến tới mức họ có thể tự chế tạo gần như mọi loại vũ khí hiện mà không cần Mỹ hỗ trợ, theo Beinin. F-35 và F-16 có thể là ngoại lệ, nhưng một số bộ phận của hai dòng tiêm kích này hiện được sản xuất tại Israel. Điều đó khiến Israel trở thành nhà xuất khẩu quân sự lớn thứ 10 thế giới và cũng khiến Washington phải phụ thuộc ngược lại Tel Aviv.
“Các tổ hợp công nghiệp quân sự của hai nước gắn bó chặt chẽ. Năng lực của Mỹ hiện phụ thuộc vào Israel ở mức độ nào đó”, Beinin nói.
Mỹ hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Israel với thương mại song phương hàng năm đạt gần 50 tỷ USD. Quan chức Mỹ từ lâu khẳng định mối quan hệ với Israel có giá trị chiến lược trong nỗ lực duy trì ổn định Trung Đông, ngăn tình trạng bất ổn có thể đe dọa khả năng tiếp cận nguồn dầu khu vực của Mỹ.
“Một Israel độc lập, an toàn trong biên giới của họ chính là lợi ích chiến lược thực tế của Mỹ. Tôi từng nói nếu không có Israel, chúng tôi sẽ phải tạo ra Israel”, ông Biden nói năm 2013, khi là phó tổng thống Mỹ.
Gần đây, Israel trở thành trụ cột chính trong mục tiêu tạo ra “Trung Đông hội nhập, thịnh vượng và an toàn” của Mỹ.
Chính quyền tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số láng giềng Hồi giáo, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Morocco. Giới quan sát lo ngại cuộc đột kích của Hamas sẽ làm đảo lộn các cuộc đàm phán do chính quyền ông Biden làm trung gian để hòa giải quan hệ giữa Israel và đối thủ Arab Saudi.
Đây là lý do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và sau đó là Tổng thống Biden đều tới Israel sau vụ tấn công của Hamas để bày tỏ sự ủng hộ với nước này.
“Các bạn có thể mạnh mẽ để tự bảo vệ mình, song khi nước Mỹ còn tồn tại, các bạn sẽ không bao giờ phải làm như thế. Chúng tôi sẽ luôn bên cạnh các bạn”, Ngoại trưởng Blinken nói hôm 12/10, khi họp báo cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
“Israel đứng về phía Mỹ và điều đó không có gì bàn cãi. Đó là lý do Ngoại trưởng Blinken tới đó để thể hiện tình đoàn kết”, Beinin nói.
Việc thể hiện ủng hộ của Mỹ với Israel có thể giúp ngăn chặn nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực, trong đó có kịch bản nhóm chiến binh Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Lebanon mở “mặt trận thứ hai” nhắm vào Tel Aviv. Tuy nhiên, nó cũng có thể khuấy động làn sóng chống Mỹ ở Trung Đông, khi các nước láng giềng chứng kiến thương vong và sự tàn phán vì xung đột ở Dải Gaza.
“Quan hệ chặt chẽ và sâu rộng này đã khiến Mỹ thật khó để tách khỏi các hoạt động quân sự của Israel theo bất kỳ cách nào”, Michael Hanna của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nói.
Thanh Tâm (Theo Vox)