Luật Điện lực năm 2024 thay thế Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần vào các năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024), sau gần 20 năm triển khai thi hành).
Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/02/2025.
Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 Chương, 81 Điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật Điện lực năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
Trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi, nhiều chuyên gia cho rằng việc sửa đổi Luật Điện lực là vấn đề mang tính cấp bách và cần sớm được thông qua nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội theo những mục tiêu chiến lược mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, đồng thời phù hợp với định hướng zero carbon toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết.
Trước đó, theo nội dung tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2023, Chính phủ yêu cầu: “Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, tháng 10 năm 2024). Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương tổ chức soạn thảo dự án Luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng”.
Để đảm bảo tiến độ Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã chủ động thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng Luật. Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi)đã được thành lập theo Quyết định số 462/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, gồm 47 thành viên đến từ một số Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương; các Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia đến từ một số hiệp hội, Sở Công Thương và doanh nghiệp.
Dự thảo 2 Luật Điện lực sửa đổi đã được lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 29 tháng 3 năm 2024 (trong thời hạn là 60 ngày) sau khi Dự thảo 1 được thông qua tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập lần thứ nhất.
Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Công Thương đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp chuyên đề tại 3 miền Bắc – Trung – Nam. Các nhóm thuộc Tổ biên tập do Cục Điều tiết Điện lực, Cục Điện lực, Cục An toàn môi trường làm Trưởng nhóm đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp nhóm thuộc Tổ biên tập theo từng chuyên đề.
Ngày 11 tháng 6 năm 2024, Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cùng các tài liệu kèm theo trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ. Tính đến ngày 18 tháng 6 năm 2024, Bộ Công Thương đã nhận được 122 văn bản (01 văn bản của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội; 20 văn bản của Bộ, cơ quan ngang bộ, 60 văn bản của cơ quan cấp tỉnh, 13 văn bản của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 26 văn bản của các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động điện lực và 01 ý kiến bằng văn bản của chuyên gia về thị trường điện) và 01 ý kiến trên cổng thông tin điện tử.
Ngày 05 tháng 7 năm 2024, Bộ Công Thương trình Chính phủ Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và các tài liệu kèm theo hồ sơ xây dựng dự án Luật. Ngày 23 tháng 7 năm 2024, Chính phủ tổ chức phiên họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Luật Điện lực (sửa đổi).
Ngày 08 tháng 8 năm 2024, Bộ Công Thương đã thực hiện thủ tục gửi hồ sơ cho Văn phòng Quốc hội và Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội để thực hiện thẩm tra.
Trong các ngày 05, ngày 06 và ngày 09 tháng 8 năm 2024, Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)”. Bộ Công Thương tiếp tục gửi ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội thảo đến các Cục, Vụ để thực hiện tiếp thu, giải trình và hiệu chỉnh vào dự thảo Luật theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Ngày 04 tháng 10 năm 2024, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức họp thẩm tra về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), có 104 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 32 lượt đại biểu Quốc hội có ý kiến (25 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường và 07 lượt góp ý bằng văn bản gửi qua Tổ Thư ký). Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo.
Trong gần 01 năm qua, Dự án Luật Điện lực sửa đổi đã được chuẩn bị hết sức nghiêm túc; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước.
Với tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã triển khai công việc một cách khẩn trương nhưng kĩ lưỡng và thận trọng, để xây dựng và đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật và được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều ngày 30/11/2024.
Theo Tạp Chí Công Thương