Vốn là người yêu thích việc đọc, chị Nguyễn Thu Hương (37 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) đã quyết định mở một thư viện sách thiếu nhi miễn phí để lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng.
Hành trình xây dựng tủ sách thiếu nhi của chị Hương đến một cách rất tự nhiên. Ban đầu, khi mang bầu bé thứ nhất, chị Hương đọc rất nhiều sách về nuôi dạy và chăm sóc trẻ. Trong quá trình nuôi dạy con, chị Hương tiếp tục mua rất nhiều sách thiếu nhi, với mong muốn xây dựng cho con thói quen đọc. Đến nay, khi bé thứ hai nhà chị đã học tiểu học, chị đã có một kho tàng sách, truyện thiếu nhi khổng lồ.
Sự ra đời ‘Ban công của mẹ’
Khi mang bầu bé thứ hai, chị Hương chợt nhận thấy, nhiều cuốn sách ở nhà sẽ đến lúc không cần dùng nữa (ví dụ như những cuốn sách về nuôi dạy trẻ). Khi các con lớn dần lên, các cuốn sách nuôi dạy trẻ trong giai đoạn mang bầu, giai đoạn từ 1-3 tuổi,… mà chị đang có cũng trở nên không còn phù hợp nữa.
Nhận thấy rằng việc để sách nằm không trên giá thì rất lãng phí, nhưng mang tặng thì cũng cần tìm được người phù hợp và trân quý sách, chính vì vậy, đầu năm 2019, chị Hương đã quyết định mở một trang mạng xã hội để chia sẻ sách với bạn bè.
Ban đầu, chị Hương mong muốn chia sẻ với các mẹ cũng đang nuôi con nhỏ những cuốn sách về giáo dục, dinh dưỡng, nấu ăn, nuôi dạy con, phát triển bản thân,… Khi sắp xếp lại tủ sách, chị mới nhận thấy tủ sách nhà mình cũng có rất nhiều cuốn sách, truyện thiếu nhi rất hay mà con đã đọc xong rồi.
Dần dần, quy mô của thư viện được mở rộng hơn. Từ bạn bè ngoài đời, bạn bè trên mạng xã hội, tới những người được bạn bè chị giới thiệu, số lượng người đến với thư viện nhà chị Hương đã tăng trưởng nhanh chóng.
Vậy nên chị Hương đã trao đổi với mẹ mình về việc mở một thư viện tại nhà miễn phí cho mọi người tới đọc. Ý tưởng này của chị được mẹ vô cùng ủng hộ. Từ đó, chị Hương chính thức xây dựng thư viện “Ban công của mẹ” với toàn bộ sách của gia đình.
Về cái tên “Ban công của mẹ”, nó mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt với chị. Đó là bởi thư viện được xây dựng tại nhà của bố mẹ chị, cũng là nơi đại gia đình chị sinh sống. Nơi đây chính là chốn ấm áp, là nơi để chị trở về, đồng thời, cũng là nơi để chị tiếp tục xây dựng chốn bình yên cho các con của mình. Như vậy, “Ban công của mẹ” vừa là mẹ của chị, đồng thời cũng mẹ của các con chị.
Trao đổi với phóng viên Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống), chị Hương cho biết, việc xây dựng một nơi đọc sách yên bình, ấm áp, gần gũi như những người trong gia đình. Nếu như tại nhà sách hay các thư viện khác, mọi người chỉ đến mượn sách để đọc, thì khi đến với thư viện tại gia của chị, mọi người không chỉ được đọc sách, mà còn được trò chuyện, thấu hiểu như người trong gia đình, về cả những vấn đề khác trong cuộc sống. Chị Hương cảm thấy rất hạnh phúc vì được chia sẻ với mọi người, đồng thời cũng học được rất nhiều điều từ các phụ huynh khác.
Hành trình ‘thắp lửa’ cho các bạn nhỏ
Ngoài sách nuôi dạy trẻ, các tủ sách nhà chị Hương đa số là sách, truyện thiếu nhi. Đây cũng là đối tượng độc giả chính tại thư viện nhà chị. Phần lớn số sách thiếu nhi này là của chị mua cho các con. Sau này, có một số phụ huynh muốn gửi sách tới thư viện để làm phong phú thêm tủ sách. Chị Hương vui vẻ đồng ý, đồng thời cũng nhắn các mẹ hãy quyên tặng sách cũ đã dùng rồi, không cần mua sách mới.
Đa phần, các bạn nhỏ sẽ được cha mẹ đưa tới thư viện với mong muốn các con sẽ đọc sách nhiều hơn. Có rất nhiều trường hợp, khi được mẹ đưa đến, con không hề thích đọc sách, nhưng sau vài lần đến thư viện, các bạn nhỏ này đã chịu đọc, và cũng thích thú hơn khi đến thư viện, chị Hương chia sẻ. Thông thường, chị Hương sẽ thường gặp gỡ nói chuyện với mẹ của các bạn nhỏ, để biết con có hay đọc sách không, sở thích của con thế nào để có thể hướng dẫn con đọc thử các thể loại sách khác nhau, từ đó tìm ra sở thích đọc của chính mình.
Chị Hương kể rằng, có lần con chị mang sách đến trường để chia sẻ cho các bạn đọc, thì các bạn cũng không thích đọc. Các bạn của con thường thích nói về các xu hướng hiện hành trên mạng xã hội, nhưng con chị không dùng mạng xã hội nên cũng không hiểu. Chính vì vậy, chị đã động viên con rủ bạn về nhà mình chơi đọc sách.
Ban đầu, bạn bè của con cũng từ chối, bởi các con không có thói quen đọc, đồng thời, việc sử dụng mạng xã hội với nội dung ngắn quá sớm khiến các con dễ bị mất tập trung. Khi đó, chị Hương đã hướng dẫn các con đọc từ các quyển sách có tranh ảnh, dần dần, bạn bè của con chị đã yêu thích việc đọc sách hơn.
Khi được hỏi về định hướng cho thư viện cộng đồng, chị Hương đã chia sẻ vừa hài hước vừa chân thành rằng chị chỉ muốn nhớ được hết tất cả các mẹ và các con đến với thư viện của mình. Bởi như chị đã nói, giá trị cốt lõi nhất của “Ban công của mẹ” chính là lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng (đặc biệt là các bạn nhỏ) một cách chân thành, ấm áp và tận tâm nhất. Chính vì vậy, chị Hương chỉ mong muốn có thể duy trì thư viện sách thật lâu, để tiếp tục đồng hành và kết nối với nhiều gia đình hơn, chung tay cùng nhiều bậc phụ huynh hơn nữa để lan tỏa văn hóa đọc tới các thế hệ tương lai.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/hanh-trinh-lan-toa-van-hoa-doc-cua-thu-vien-sach-thieu-nhi-mien-phi-ban-cong-cua-me-172240913152509125.htm