Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hành trình ký ức 50 năm giải phóng miền Nam

BDK - Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước hân hoan chào mừng đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), Câu lạc bộ Nữ hưu trí tỉnh đã tổ chức chuyến về nguồn “Hành trình ký ức 50 năm giải phóng miền Nam” tại TP. Hồ Chí Minh. Chuyến đi mang đầy ý nghĩa, để lại nhiều dấu ấn kỷ niệm khó quên, đặc biệt là những hoạt động gặp gỡ, giao lưu được diễn ra tại thành phố mang tên Bác.

Báo Bến TreBáo Bến Tre11/04/2025


Đoàn xem phim tư liệu tại Dinh Độc Lập.

Trở về ký ức

Đúng 7 giờ ngày 4-4-2025, đoàn xe gồm 3 chiếc xuất phát từ Bến Tre đi TP. Hồ Chí Minh. Nhờ có đường cao tốc nên rút ngắn thời gian di chuyển rất nhiều, điểm đến đầu tiên là dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Bến Dược - tham quan Địa đạo Củ Chi. Mặc dù ngồi xe gần 3 giờ đồng hồ, tuổi cao, có nhiều bệnh nền (trong 100 cô, chị thì có 90 cô, chị từ 65 - 84 tuổi, chỉ có 10 chị gần 60 tuổi, đặc biệt có 1 cô ngồi xe lăn) nhưng ai cũng phấn khởi tham gia hành trình vui, khỏe. Đoàn đã dâng hương 3.120 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 45.670 anh hùng liệt sĩ trên cả nước đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tại phòng chiếu phim, các cô, các chị say sưa theo dõi từng hình ảnh tư liệu giới thiệu về địa đạo Củ Chi, một hệ thống phòng thủ trong lòng đất, được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và được gia cố trong kháng chiến chống Mỹ. Hệ thống đường hầm dọc ngang nhiều tầng sâu từ 3 - 12m, chạy ngoằn ngoèo dài hơn 250km, xuyên sâu trong lòng đất sét pha đá ong, kết hợp với 500km chiến hào bao quanh. Trong hầm có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm, hầm làm việc của lãnh đạo, hầm giải phẫu thương binh, xưởng công binh, có thể chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng. Chính vì thế mà nơi đây đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của kẻ thù nhưng không thể san bằng được mà địa đạo vẫn hiên ngang tồn tại như một trận đồ biến hóa dưới lòng đất, làm kẻ thù “bạt vía kinh hồn”…

Như được trở về ký ức, các cô chị đều bồi hồi, xúc động mắt ai cũng đỏ hoe và kéo vội chiếc khăn rằn… Sau giây phút lắng đọng, mọi người được tham quan địa đạo.

Gần 12 giờ trưa, đoàn rời địa đạo để đến điểm ăn trưa, sau đó di chuyển về TP. Thủ Đức trải nghiệm tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, để thỏa được cảm giác mới lạ, đoàn bắt đầu lên tàu từ ga Suối Tiên đến hết tuyến là ga Bến Thành. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên thuộc hệ thống Đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 19,7km, trong đó có đoạn đi ngầm dài 2,6km qua 3 ga và đoạn trên cao dài 17,1km qua 11 ga với tổng cộng 17 đoàn tàu. Mỗi đoàn có thể chở 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng), tàu chạy vận tốc tối đa trên cao 110km/giờ và 80km/giờ đoạn qua hầm.

Tạm biệt ga Bến Thành trong chiều muộn để di chuyển nhanh về khách sạn, chuẩn bị cho chương trình giao lưu buổi tối. Đây là chương trình “đinh” của chuyến “Hành trình ký ức 50 năm giải phóng miền Nam” lần này. Chương trình có sự tham gia của nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa - cựu tù chính trị Côn Đảo; quyền Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Bích Nga; nguyên Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Thị Mãnh - cán bộ đấu tranh chính trị trong nhà tù địch; ông Trần Văn Nhiệm (người hùng Ba Nhiệm) - người tù cướp tàu giặc vượt Côn Đảo về đất liền năm 1967; ông Võ Ái Dân, người trải qua 16 năm tù ở các nhà giam Côn Đảo, Trưởng ban Quản trị Hội Tương tế Bến Tre tại Bình Dương, “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu”; ông Lê Văn Thức người tử tù Côn Đảo (1968) và là nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng “Mẹ con ngày gặp lại” của Nhiếp ảnh Lâm Hồng Long cách nay tròn 50 năm; bà Lý Thị Tiếp - Phó trưởng ban Thường trực Ban Quản trị Hội Tương tế Bến Tre tại Bình Dương, “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu”, người sáng lập và điều hành hoạt động của Tổ hội mẹ truyền thống phường Phước Long A, TP. Thủ Đức, người có nhiều hoạt động vì cộng đồng; chị Nguyễn Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre, người đồng hành và tiếp lửa cho “hành trình ký ức 50 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng”.

Buổi giao lưu với những câu chuyện người thật, việc thật của các nhân chứng lịch sử, những cựu tù Côn Đảo, cán bộ Biệt động Sài Gòn năm xưa “Đoàn kết một lòng, mưu trí vô song, dũng cảm tuyệt vời, trung kiên bất khuất” để đấu tranh trực diện, sắc sảo, khôn khéo, cân não với kẻ thù, những hành động dũng cảm, kiên cường (cướp tàu giặc vượt biển, lênh đênh giữa trùng khơi), mưu trí, sáng tạo qua mắt kẻ thù, những lần tra tấn dã man chết đi sống lại của những “cựu tù” như một huyền thoại, một cuốn phim tư liệu tiếp thêm sức mạnh, ý chí, niềm tin, năng lượng sống trong mỗi cán bộ nữ hưu trí.

Trung tá Nguyễn Văn Tài - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự Quận 5, Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Được nghe các cô, chú kể lại những câu chuyện thật cảm động, làm cho thế hệ trẻ chúng tôi vô cùng kính phục những tấm gương vì nước, vì dân, không sợ gian khổ hy sinh đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước. Chúng tôi hứa quyết tâm ra sức học tập, rèn luyện, chắc tay súng giữ gìn và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu”.

Giữa lòng “Hòn ngọc” viễn đông

Kết thúc hành trình một ngày, một đêm mọi người như thỏa lòng thỏa dạ, sau một đêm ngon giấc như được nạp thêm năng lượng, 6 giờ sáng ngày 5-4-2025, mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình ngày thứ hai: Điểm trải nghiệm đầu tiên là đi tàu bus trên sông Sài Gòn, để ngắm nhìn thành phố từ trên sông, có Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Bến Bạch Đằng nhộn nhịp khách thập phương, những ngôi nhà chọc trời uy nghi giữa lòng thành phố, khẳng định sự vươn mình, đổi thay từng ngày của TP. Hồ Chí Minh - “Hòn ngọc” viễn đông sau 50 năm giải phóng, thống nhất đất nước, những con đường đại lộ rộng thênh thang, những phố thị sầm uất, người xe qua lại đông đúc suốt ngày thể hiện một thành phố trẻ trung, năng động và đầy triển vọng trong tương lai.

Kết thúc hành trình 45 phút trên sông Sài Gòn, đoàn hành trình tham quan Dinh Độc Lập. Mọi người ai cũng hồ hởi, vì đây là địa điểm chính trong suốt hành trình về nguồn vừa mang ý nghĩa lịch sử, vừa đánh dấu chuyến đi. Đoàn được cô hướng dẫn viên giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành và thiết kế, bố trí của Dinh. Dinh Độc Lập là một tòa dinh thự, từng là nơi làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Dinh được Tổng thống Ngô Đình Diệm khởi công xây dựng từ tháng 7-1962, đến năm 1963, Diệm bị phe đảo chính ám sát, người kế nhiệm là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đến sống và làm việc tại đây từ tháng 10-1967 đến ngày 21-4-1975. Tại đây, ngày 8-4-1975, chiếc máy bay F-5E do phi công Nguyễn Thành Trung lái, xuất phát từ sân bay Biên Hòa đến ném bom Dinh Độc lập với mục đích là ám sát Tổng thống nhưng không thành. Đến 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, xe tăng T54B, số hiệu 843 của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Trung úy Bùi Quang Thận đã hút nghiêng cổng phụ và xe tăng Type 59 mang số hiệu 390 do Vũ Đăng Toàn chỉ huy đã hút tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh. Lúc 11 giờ 30 phút, Trung úy Bùi Quang Thận đã hạ quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa trên nóc Dinh xuống và kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên, đánh dấu mốc son lịch sử của dân tộc, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Kết thúc hành trình buổi sáng tại đây, đoàn chỉ nghỉ ngơi ăn trưa để tiếp tục hành trình tham quan Bến Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Đến đây, các cô chị được nghe giới thiệu về hành trình tìm đường cứu nước của Bác, được hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người... Ai cũng bồi hồi xúc động, như tự dặn lòng mình phải làm những điều gì đó thật tốt đẹp để xứng đáng là con cháu của Người.     

Kết thúc “Hành trình ký ức 50 năm giải phóng miền Nam”, song mỗi thành viên trong đoàn như đã thỏa lòng mong ước, bởi hành trình đã khơi gợi lại niềm tự hào, nuôi dưỡng nhiệt huyết tuổi thanh xuân để các cô, các chị sống vui, sống khỏe, sống có ích và trong sâu thẳm lòng mình ai cũng lưu giữ được những kỷ niệm khó quên mỗi nơi đến. Thành công của chuyến về nguồn cũng là sự động viên to lớn, tiếp thêm năng lượng cho Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ hưu trí tỉnh có thêm động lực tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm 30 năm thành lập câu lạc bộ.

Bài, ảnh: Kim Loan

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/hanh-trinh-ky-uc-50-nam-giai-phong-mien-nam-11042025-a144995.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm