Trở về từ chuyến khảo sát các di tích lịch sử đường Tây Trường Sơn trên địa bàn 7 tỉnh Trung – Hạ Lào do Bộ Quốc phòng tổ chức vào những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4/2023, Đại tá Vũ Trình Tường – Trưởng Ban Lịch sử, Truyền thống Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam hồ hởi khoe thành quả của chuyến đi.
Đoàn khảo sát chụp ảnh trước cửa hang Kho K5 trong chuyến công tác hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4/2023. (Ảnh: Vũ Trình Tường) |
Ông cho biết, chuyến này đoàn công tác khảo sát thực địa, thu thập số liệu, tư liệu để lập Hồ sơ khoa học trình Nhà nước Lào ra quyết định công nhận di tích đường Hồ Chí Minh trên đất Lào là Di tích Quốc gia Lào – Di sản của tình đoàn kết chiến đấu Lào – Việt.
“Bộ Quốc phòng Lào cũng tham gia khảo sát cùng đoàn. Trong ba ngày đầu tiên, chúng tôi bắt đầu từ thị trấn Lạc Sao (tỉnh Khăm Muộn, Lào) rồi về đường 12, khảo sát ngã ba Lằng Khằng, trọng điểm Seng Phan, đi qua ngầm Xóm Péng. Đoàn khảo sát ngã ba tiếp Lùm Pùm rồi đi vào đường 20 để khảo sát cụm trọng điểm ATP. Tuy nhiên do điều kiện khách quan nên chúng tôi chỉ vào đến Chà Là, cách Phu La Nhích 10km thì phải quay ra. Đoàn đi tiếp về đường 18 để tiếp cận kho xăng K5 tại bản Cọ. Tại đây chúng tôi phát hiện trong hang đá kho xăng K5 có tấm bia liệt sĩ. Do đường đi rất xấu, ô tô bị nổ lốp hai lần, lốp dự phòng đã hết nên đoàn phải chờ mấy tiếng giữa đường để chờ xe chở lốp lên.
Điểm tiếp theo là đèo Văng Mu, tổng kho tại khu vực Na Hi và hầm chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 tại chân núi Phu Caton (khu vực đường 9 tại Savanakhet). Chúng tôi cũng tiến hành khảo sát tại ngầm Thà Khống, cầu treo Bản Đông, đoạn đường 129A tại Mương Nòng, các di tích ở Savanakhet và các tỉnh Nam Lào như Salavan, Sekong…
Sau 18 ngày, 16 cụm di tích đã được khảo sát. Mỗi điểm di tích đều được xác định tọa độ, đánh dấu vị trí trên bản đồ, vẽ sơ đồ, khảo tả, thuộc địa phương nào, tình hình dân cư, ghi lại hình ảnh, phổng vấn nhân chứng…”, ông Tường kể.
Các tư liệu trên được đoàn khảo sát của Bộ Quốc phòng Việt Nam – Lào xác nhận, sau đó trên cơ sở mô tả lịch sử di tích, đoàn khảo sát Việt Nam sẽ hoàn tất văn bản. Bộ Quốc phòng sẽ trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam để trao đổi với nước bạn Lào xét công nhận các di tích trên đường Hồ Chí Minh bên Tây Trường Sơn là Di tích lịch sử quốc gia Lào.
Đây không phải lần đầu phía Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát các di tích trên đường Tây Trường Sơn. Trước đó, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã có nhiều chuyến khảo sát các di tích thuộc các tỉnh Savanakhet, Salavan, Attapeu (Lào)…
Đại tá Vũ Trình Tường trao Hồ sơ Di tích Tây Trường Sơn cho Sở Ngoại vụ tỉnh Savanakhet, Lào năm 2013. (Ảnh: Vũ Trình Tường) |
Theo Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, tuyến đường Tây Trường Sơn là tuyến đường huyết mạch, vận chuyển trọng yếu nhất của quân đội Việt Nam và Lào trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt – Lào. Hệ thống di tích trên tuyến đường này trải rộng trên địa bàn 7 tỉnh Trung – Hạ Lào, có mật độ dày đặc. Qua nhiều năm, các di tích dần bị mờ đi trên mặt đất và ngay cả trong tiềm thức các thế hệ người dân. Rất may, đến nay vẫn còn một số di tích đường Tây Trường Sơn được nhân dân và chính quyền Lào bảo tồn.
Hội đã làm việc với chính quyền một số tỉnh và huyện tại Lào về việc bảo tồn các di tích Tây Trường Sơn, đồng thời gửi công văn đến các cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đề đạt nguyện vọng của Hội. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào và Việt Nam đều nhất trí ủng hộ.
Được biết, hiện hồ sơ khoa học bằng hai thứ tiếng do đoàn Công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã lập xong và chuyển cho Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch Lào thẩm định, làm cơ sở để chính phủ nước bạn ra quyết định xếp hạng đường Hồ Chí Minh trên đất Lào là Di tích quốc gia Lào.
Được sự nhất trí, ủng hộ của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, ngày 14/6/1961 Việt Nam chính thức mở đường Hồ Chí Minh sang Tây Trường Sơn, lịch sử gọi là “lật cánh sang Tây Trường Sơn”. Tuyến đường Tây Trường Sơn gồm: các tuyến đường vận tải đường bộ, tuyến vận tải đường sông, đường dây thông tin, đường giao liên, đường ống xăng dầu…
Theo tài liệu của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, đường Tây Trường Sơn dài khoảng 20.000km, đi qua 7 tỉnh của Lào là Borikhamxay, Khammouane, Savanakhet, Champasak, Sekong, Salavan và Attapeu. Tuyến đường này đã phục vụ vận chuyển gần 1,2 triệu tấn lương thực và vũ khí đạn dược, phục vụ chiến trường ba nước Đông Dương (trong đó riêng phục vụ chiến trường Lào và Campuchia 580.000 tấn). Đường Tây Trường Sơn hứng chịu 11.135 trận đánh phá của địch với hơn 3 triệu tấn bom mìn, làm hy sinh 19.800 người, 40.000 người bị thương, 14.540 phương tiện bị phá hủy, 703 khẩu pháo bị hư hỏng, 90.000ha ruộng nương, vườn tược của người dân bị thiệt hại. |