Khi trẻ lên 3 tuổi, nhiều bé không biết nói hoặc không chịu nói, thậm chí có những bé không có phản ứng với âm thanh xung quanh.
Đây có thể là dấu hiệu hoặc di chứng của những bệnh tiềm ẩn, khiến nhiều ba mẹ cảm thấy rất lo lắng về hành trình tìm lại âm thanh cho con.
Chị Nguyễn Thị Thuý Hằng (Quận 4, TPHCM) luôn phiền lòng vì con chậm nói. Theo chị Hằng, con chị năm nay 3 tuổi nhưng rất chậm nói, chỉ có thể nói được một vài từ.
Hiện tại, bé chưa đi học mà chỉ ở nhà, khiến gia đình rất lo lắng không biết bé có mắc bệnh gì hay không và làm thế nào để bé nói nhiều hơn.
Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng của con, chị Hằng đã đưa bé đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thăm khám và làm các bài kiểm tra lâm sàng. Kết quả cho thấy bé mắc chứng chậm nói và cần được can thiệp tích cực.
BS.CKII Nguyễn Thụy Minh Thư, Phòng khám Nhi – Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Đối với trẻ 1 tuổi, thông thường bé sẽ nói được một từ đơn, và người lạ có thể hiểu được khoảng 25% những gì bé nói.
Trẻ 2 tuổi sẽ nói được từ đôi (2 từ), và người lạ hiểu được khoảng 50%. Còn trẻ 3 tuổi, nếu chưa nói được một cụm gồm 3 từ, và người lạ không hiểu được khoảng 75% những gì bé nói, thì có thể được xác định là chậm nói”.
Chậm nói có thể xuất phát từ các nguyên nhân sinh học hoặc môi trường xung quanh. Nguyên nhân sinh học có thể bao gồm các vấn đề về khả năng nghe – nếu nghe không tốt thì sẽ không thể nói tốt.
Một số bệnh lý về cơ quan phát âm như tật sứt môi, vòm môi, dính thắng lưỡi… cũng làm cho trẻ chậm nói hoặc nói ngọng.
Ngoài ra, các vấn đề thần kinh ở trẻ mắc bệnh lý như động kinh, bại não hoặc chậm phát triển tự kỷ cũng có thể dẫn đến chậm nói.
Các nguyên nhân từ môi trường xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng nói của trẻ. Ví dụ, việc trẻ tiếp xúc quá nhiều với màn hình điện tử có thể dẫn đến chậm nói, hoặc trẻ sống trong môi trường đa ngôn ngữ.
Hiện nay, để can thiệp cho trẻ chậm nói, tùy thuộc vào nguyên nhân, bé sẽ được điều trị thích hợp.
Nếu trẻ có vấn đề về thính giác, bé sẽ được hỗ trợ bằng máy trợ thính để cải thiện chức năng nghe và khả năng nhận thức ngôn ngữ.
Nếu nguyên nhân là do môi trường xã hội, bé sẽ được can thiệp chỉnh âm, trị liệu ngữ âm, điều trị rối loạn lời nói và tăng cường tương tác xã hội.
Đặc biệt, với trẻ tự kỷ, ngoài việc chậm nói, còn có vấn đề kém hòa hợp giao tiếp xã hội, cần được can thiệp bằng ngôn ngữ trị liệu và tâm vận động.
Nguồn: https://laodong.vn/y-te/hanh-trinh-giup-tre-cham-noi-phat-trien-ngon-ngu-1391141.ldo