Không nói suông, nói chung chung…
Hơn một năm qua, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” là điểm nhấn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Phong trào rất cụ thể, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo. Theo kinh nghiệm từ các cấp Hội Nhà báo thì muốn phong trào đạt hiệu quả thì việc triển khai phải đi vào thực chất và không ngừng nghỉ.
Theo nhà báo Võ Thị Mẫn – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum, đối với người cầm bút, văn hóa báo chí không phải là cái gì quá to tát, mà đó là lời nói, cử chỉ, hành động, sản phẩm báo chí trên mặt báo… không hô hào khẩu hiệu, không đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc, luôn đặt mình trong khuôn khổ pháp luật, chấp hành quy định chung, quy tắc nghề nghiệp. Phong trào văn hóa báo chí có được khuấy động lên hay không phụ thuộc vào sự tự nguyện, tự giác của từng cơ quan báo chí, của người đứng đầu tờ báo, của từng hội viên, người làm báo…
Chính bởi vì phụ thuộc vào sự tự nguyện, tự giác nên bà Võ Thị Mẫn cũng trăn trở: “Qua hơn 1 năm triển khai phong trào thi đua này, thử hỏi có bao nhiêu cơ quan báo chí, người cầm bút viết báo đã nhớ đến phong trào hay đến khi có hướng dẫn sơ kết đánh giá thì mới nhớ ra và làm báo cáo. Bởi vì sao không nhớ? Các tiêu chí văn hóa báo chí không khó nhớ nhưng việc người làm báo thường xuyên quan tâm cập nhập thì không hẳn, đến khi có đồng nghiệp vi phạm hoặc có sự kiện liên quan đến văn hóa báo chí thì mới nhớ đến. Luật Báo chí, Điều lệ Hội, 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, tiêu chí văn hóa báo chí… xét cho cùng đó là nền tảng các quy định chung liên quan đến hoạt động nghề báo. Việc triển khai thực hiện phong trào thi đua văn hóa, tiêu chí văn hóa người làm báo là việc cần thường xuyên quan tâm, cảnh báo, nhắc nhở người cầm bút phải luôn tuân thủ, chấp hành pháp luật, ứng xử văn hóa, đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu”.
Trên thực tế, ở Kon Tum, hội viên không nhiều, có 135 hội viên sinh hoạt tại 5 chi hội (Báo, Đài Phát thanh – Truyền hình, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin – Truyền thông, Văn phòng hội) và 2 câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi, Nhà báo nữ. Hội viên gồm nhiều thành phần dân tộc đến từ nhiều vùng miền do đó văn hóa cũng có phần khác nhau. Vậy làm gì để hội viên có tiếng nói chung, có cách ứng xử văn hóa, thuận hòa trong hoạt động báo chí, chính là câu chuyện mà nhà báo Võ Thị Mẫn đặt ra như một kinh nghiệm của đơn vị trong triển khai phong trào.
“Để có tiếng nói chung, Hội Nhà báo địa phương phối hợp với cơ quan báo chí theo dõi, định hướng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hội viên chuyên tâm làm nghề. Đối với cơ quan báo chí, ngay từ lúc phóng viên vào nghề, lãnh đạo phân công người trước dìu dắt cho người sau về chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn quy tắc tác nghiệp, ứng xử linh hoạt khi đi cơ sở, thích ứng với môi trường làm báo vùng núi nhiều khó khăn, cách trở về địa lý, giao thông…” – Bà Võ Thị Mẫn khẳng định.
Với cách làm này, hoạt động báo chí Kon Tum luôn duy trì nề nếp, mối quan hệ đồng nghiệp bình đẳng, chân thành, chuyên nghiệp; ứng xử trên mạng xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số có kỷ luật, kỷ cương, lành mạnh, văn hóa, chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động nghề. Người làm báo Kon Tum thực hiện phong trào văn hóa báo chí không phải nói suông, nói chung chung mà thể hiện chuẩn mực trong công tác, sinh hoạt, phát ngôn, qua sản phẩm báo chí đăng, phát phục vụ xã hội công tâm và trách nhiệm.
Xem tiêu chí văn hóa là tiêu chuẩn ứng xử và quy tắc tác nghiệp
Một trong những điểm được đặc biệt quan tâm chính là bài toán “con người văn hóa”. Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu đặt vấn đề rằng, khi phong trào đi vào đời sống, các hoạt động của các Hội nhà báo, các cơ quan báo chí cũng hướng đến việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí được coi trọng hơn. Từ môi trường văn hóa ấy mới hình thành nên những người làm báo có văn hóa – là những nhà báo có đạo đức, có trình độ, có quan điểm nhân văn trong từng bài viết nhưng không ngại đối đầu với tiêu cực, cái xấu, cái ác để bảo vệ cái đẹp, cái thiện, bảo vệ sự thật.
Các cơ quan báo chí trong tỉnh Bạc Liêu thời gian qua đã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa tại nơi làm việc để mỗi nhà báo có điều kiện phát huy tối đa năng lực trong việc sáng tạo tác phẩm báo chí. Không chỉ bám sát các tiêu chí của cơ quan văn hóa, cả 3 cơ quan báo chí của tỉnh gồm Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và tạp chí Văn hóa Văn nghệ Bạc Liêu còn xây dựng những quy chế riêng trong hoạt động nhằm giữ vững tinh thần đoàn kết trong tổ chức, môi trường làm việc lành mạnh, nhân văn.
Trong đó, ngoài quy trình sản xuất tin bài, các cơ quan còn chú trọng xây dựng các mối quan hệ trong sáng, tích cực giữa các khâu, tổ, phòng ban trong tòa soạn cũng như mối quan hệ đoàn kết, tương ái, hỗ trợ cùng nhau phát triển giữa các cá nhân trong nội bộ đơn vị nhằm tạo ra một tập thể mạnh, bám sát tôn chỉ mục đích hoạt động để đưa tờ báo, kênh truyền hình, phát thanh của mình ngày càng đến gần với công chúng hơn.
Đặc biệt, ông Hoàng cho biết thêm, trong các buổi sinh hoạt chi bộ, chi hội, lãnh đạo cấp ủy, Ban Biên tập, Ban giám đốc các cơ quan báo chí thường xuyên nhắc nhở cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên thực hiện tốt quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị gắn với 10 Quy định đạo đức người làm báo cũng như việc sử dụng mạng xã hội. Thông qua nhiều kênh như công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, qua theo dõi trực tiếp trên mạng xã hội cũng như kênh phản hồi từ bạn đọc, bạn xem đài, các cơ quan báo chí nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề phát sinh từ hoạt động của người làm báo để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh. Bên cạnh đó, những vấn đề về quản lý tài chính, chế độ cho người lao động, cải tiến hoạt động của cơ quan, đơn vị đều được công khai, minh bạch nhằm tạo ra môi trường làm việc dân chủ, bình đẳng, thúc đẩy các nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…
Chính vì những quan tâm sát sao đó mà sau 1 năm thực hiện phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, có thể thấy được những hiệu quả rõ nét. Từ việc thực hiện theo quy định, quy chế, thì đến nay các nhà báo đã xem tiêu chí văn hóa là tiêu chuẩn ứng xử trong nội bộ và quá trình tác nghiệp bên ngoài xã hội nhằm xây dựng hình ảnh những nhà báo chân chính.
Thời gian qua, ở các cơ quan báo chí trong tỉnh không có phóng viên, hội viên nào vi phạm Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức người làm báo; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội viên vi phạm pháp luật hay lợi dụng hoạt động nghiệp vụ để sách nhiễu tiêu cực, thiếu văn hóa. Các cơ quan báo chí Bạc Liêu cũng tuyệt đối không đăng tải những tác phẩm khai thác đời tư quá mức, viết sai lệch bản chất vấn đề, liên kết các báo hạ uy tín doanh nghiệp…
“Để tiếp tục phát huy hiệu quả của phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu sẽ tăng cường phối hợp với lãnh đạo các cơ quan báo chí, chỉ đạo các chi hội trực thuộc tiếp tục phát động thi đua qua từng năm, đưa việc thi đua trở thành nền nếp trong hoạt động báo chí. Đồng thời thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tác nghiệp, bảo đảm các chuẩn mực cao nhất về tính chính xác, sự tin cậy và tính nhân văn trong từng bản tin, từng bài báo như chỉ đạo của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương. Tăng cường phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, các buổi giao lưu, tọa đàm về văn hóa, đạo đức người làm báo… Qua đó đưa phong trào thi đua đi sâu vào đời sống báo chí ở Bạc Liêu” – Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Sông Mây