Hành trình Dấu chân làng cổ Bát Tràng đi qua các miền quê trù phú của Hà Nội
Hoạt động này nhằm chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30.4, Ngày Quốc tế Lao động 1.5 và là một trong những tour du lịch trải nghiệm phục vụ SEA Games 31.
Đây là sản phẩm tour trong chương trình nâng cấp chất lượng tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội – Làng nghề Bát Tràng do Sở Du lịch Hà Nội triển khai và Công ty Lữ hành Hanoitourist thực hiện.
Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, tour đạp xe “Dấu chân làng cổ Bát Tràng” mang đến trải nghiệm khác biệt so với những tour khám phá Bát Tràng trước kia. Nổi bật nhất là sự khám phá văn hóa từ phố nghề đến làng nghề thông qua những di sản kiến trúc đô thị đến các di tích văn hóa của làng quê.
Đoàn khách đi qua các con phố cổ
Từ sáng sớm, hơn 30 khách du lịch đã tham gia tour này một cách đầy hứng khởi. Bắt đầu từ Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đền Bà Kiệu (Hoàn Kiếm), đoàn khách qua các con phố cổ hàng Ngang, hàng Đào, chợ Đồng Xuân, lên cầu Long Biên- cây cầu trăm tuổi của thành phố, qua các làng quê ổi chín thơm lừng hai bên đường hay đoạn đường đê thuộc huyện Gia Lâm đầy hoa dại nở.
Trên cầu Long Biên
Trải qua lộ trình 15km, khách du lịch đã tới làng cổ Bát Tràng, tham quan, trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn, mới lạ tại đây.
Bà Đỗ Phi Nga (quốc tịch Slovakia) cho biết: Tôi về Việt Nam được 2 năm nay, gặp dịch Covid-19 nên ở lại đến nay. Tôi thấy rất may mắn vì hôm nay được tham gia một chương trình du lịch hấp dẫn như thế này ở Hà Nội. Hành trình từ trung tâm Hà Nội sang Bát Tràng thực sự rất thú vị. Việc được tìm hiểu kỹ về làng nghề Bát Tràng và tham gia trò chơi “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”.
Làng nghề Bát Tràng khác với nhiều làng nghề khác bởi người dân không làm nghề nông kết hợp mà chủ yếu làm nghề sản xuất gốm sứ truyền thống. Đến đây bằng xe đạp cũng là cách để du khách kết nối một cách mộc mạc và ấn tượng trên đường đi từ “Phố nghề đến làng nghề”. Qua cổng làng Giang Cao, khách tới đình làng Bát Tràng và đi bộ, khám phá làng cổ.
Không gian kiến trúc, lối sống trong làng cổ Bát Tràng thực sự hấp dẫn và mang đến những trải nghiệm, cảm nhận khác lạ với du khách. Lịch sử làng Bát Tràng còn lưu danh 364 vị đỗ đạt, trong đó có tám vị tiến sĩ và một vị Trạng nguyên. Đường làng hẹp, có chỗ chỉ đủ hai người đi bộ tránh nhau, các bức tường gạch cổ kính hai bên đã trở thành những nơi chụp hình ưa thích của nhiều du khách.
Qua những đoạn đường đê thoáng đãng
Hiện nay, ở Bát Tràng, rất nhiều gia đình vẫn còn làm nghề sản xuất gốm sứ truyền thống, tạo ra sức sống mãnh liệt cho làng. Cảnh nhộn nhịp giao thương sẽ lôi cuốn du khách mua sắm cho mình những quà lưu niệm ưa thích.
Từ “dấu chân” trong chủ đề của chương trình du lịch là đề cập đến dấu chân của trạng nguyên Giáp Hải- người trong tâm thức của người dân Bát Tràng đã có công khai hoa cho quê hương. Bên cạnh đó, chủ đề này cũng muốn nói tới “dấu chân” của du khách để lại làng cổ này khi đến với Thủ đô Hà Nội.
Khách du lịch tham gia trò chơi, khám phá các điểm tham quan ở Bát Tràng theo gợi ý là các bức ảnh của Ban tổ chức
Du khách Lan Hương thường xuyên tham gia các tour đạp xe nhưng với hành trình khám phá Bát Tràng này chị cho biết rất mới lạ và có thể sẽ hấp dẫn nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. “Đã tham gia nhiều tour xe đạp, đi nhiều nơi rất xa nhưng “Theo dấu chân làng cổ Bát Tràng thực sự có nhiều khác biệt. Quãng đường 15km rất vừa phải để khách ở nhiều lứa tuổi có thể tham gia. Phương tiện lại hiện đại, có trợ lực điện nên khách không mất sức mà có thể thoải mái khám phá cảnh quan thanh bình, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ. Ngoài thay đổi về không gian, chương trình còn đi vào chiều sâu văn hóa, nghệ thuật điêu khắc, gốm sứ….”
Tìm hiểu lịch sử và văn hóa làng Bát Tràng
Điểm nhấn của tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng” là du khách tham gia trò chơi “giải mã”, tự khám phá các điểm đến theo chỉ dẫn bằng hình ảnh của Ban tổ chức từ nhà Văn Chỉ như: Lò bầu cổ, ngôi nhà “thời gian khó”, nhà gỗ cổ…
Hành trình “Dấu chân làng cổ Bát Tràng” kết thúc tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, hay còn gọi là Bảo tàng gốm Bát Tràng. Tại đây, khách du lịch tìm hiểu quy trình làm gốm, thử làm một người thợ gốm, tô màu gốm… và đặc biệt nhất là được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.
Các bạn trẻ tham gia tour Dấu chân làng cổ Bát Tràng
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Trước dịp lễ 30.4, 1.5, hưởng ứng SEA Games 31 và đón đợi mùa hè 2022, ngành Du lịch Thủ đô đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch đã có để phục vụ du khách đến với Hà Nội. Trong đó, các sản phẩm du lịch Hà Nội đa dạng, phong phú, diễn ra ở nhiều không gian”.
Sở Du lịch Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, các điểm đến kết nối tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, phục vụ nhiều đối tượng du khách. Các sản phẩm mới không chỉ là du lịch nội đô mà có cả sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch trải nghiệm làng nghề.
NGUYỄN ANH; ảnh: LINH TÂM