Những ngày lênh đênh trên sóng, không điện thoại, không mạng xã hội, chỉ có nắng, gió, bình minh, hoàng hôn của biển đảo và những ngày rộn rã tiếng cười, giọng nói với các buổi sinh hoạt tập thể ý nghĩa, đều đặn những bữa cơm nồng ấm tình quân dân…
Đại biểu chụp ảnh với các chiến sĩ trong chuyến thăm đảo. (Ảnh: Vũ An) |
Tôi may mắn nhận “tấm vé lên tàu” tham gia Đoàn công tác số 9 do Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân – Trưởng đoàn công tác thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc vào những ngày giữa tháng Tư.
Đó cũng là lần đầu tôi đặt chân lên một con tàu kiểm ngư rộng lớn như KN-491 để thực hiện chuyến ra khơi kéo dài suốt một tuần.
Những cảm xúc hồi hộp, lo lắng của chuyến đi Trường Sa đầu tiên bỗng xóa tan bởi bầu không thân thiện của những người bạn đồng hành, tình cảm ấm áp của thủ trưởng đoàn và các lãnh đạo của các địa phương, đơn vị tham gia và sự chuẩn bị chu đáo, tận tình của Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuyên cùng các cán bộ, chiến sĩ Vùng 4, Chi đội kiểm ngư và các lực lượng hải quân dành cho đoàn.
Những ngày “sống khác”
Sau ba hồi còi rền vang tại bến cảng Cam Ranh, tàu KN-491 rời đất liền, vươn sóng bắt đầu chuyến hải trình. Giống như phần lớn thành viên đoàn, đây là lần đầu tiên ông Hà Sơn Nhin, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, ra thăm Trường Sa. Sự xúc động, háo hức, phấn khởi xen lẫn tự hào của vị cán bộ về hưu nay 70 tuổi cũng là tâm trạng chung của hầu hết chúng tôi.
Tôi còn nhớ vào ngày khởi hành, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng nói với chúng tôi rằng: “Tham gia vào hành trình này, các bạn sẽ được sống những ngày rất đặc biệt, những trải nghiệm rất khác với thường nhật và sẽ nhận được những nguồn năng lượng tích cực, mới mẻ…”.
Thật vậy, thời gian bảy ngày trên tàu là hành trình của những ngày “sống khác” với mọi cung bậc cảm xúc, giúp chúng tôi tạm quên đi những đời sống thường nhật để dành trọn tình cảm và sự quan tâm cho biển đảo quê hương.
Người chị đồng hành trên tàu tâm sự: “Ở trên tàu này chỉ thấy những niềm vui. Mọi người đều bình đẳng, không thấy ai còn cấp bậc, chức vụ, ngành nghề hay dấu hiệu tuổi tác nữa. Rất lâu rồi chị mới được cười được nói nhiều như vậy, được ngủ chung phòng với nhiều người, được ăn cơm đủ bữa và đúng giờ, lại còn ăn cơm trắng vào buổi sáng nữa”.
Thời gian ra các đảo có những khi kéo dài đến cả ngày ròng nhưng lịch trình trên tàu không hề nhàm chán bởi luôn được lấp đầy bởi các buổi sinh hoạt chung, các cuộc thi đua với chủ đề “Đoàn kết, nghĩa tình, lập công, chiến thắng” với hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi tìm hiểu về biển đảo, thi văn nghệ với chủ đề “Biển, đảo và người chiến sĩ Hải quân”, thi cờ tướng, thi cắm hoa vải, tổ chức sinh nhật tập thể… Không khí thi đua vui vẻ, hăng hái và nhiệt tình của các đội nhóm đã kết nối, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên trong đoàn đến từ mọi miền đất nước.
Cũng để gắn kết hơn nữa tình quân dân, các đại biểu nữ của đoàn công tác luôn kịp thời hỗ trợ, thường xuyên giúp đỡ tổ phục vụ nhà bếp và làm công tác hậu cần trên tàu. Mặc dù chưa quen với sóng gió của hải trình nhưng sự sẻ chia kịp thời của các đại biểu là nguồn động viên để tổ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngạc nhiên và cảm phục
Trong chuyến hải trình lần này, đoàn công tác đã lên thăm bảy đảo gồm Đá Thị – Sinh Tồn – Cô Lin – Núi Le B – Tốc Tan C – Đá Tây A – Trường Sa và Nhà giàn DK1/19 Quế Đường.
Trực tiếp chứng kiến cuộc sống trên đảo và trải nghiệm với sóng gió Trường Sa, hầu hết mọi người đều cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh lớn lao, nghị lực, ý chí kiên cường của cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân trên quần đảo, từ đó càng củng cố vững chắc niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, quân đội ta và khẳng định rõ hơn tình yêu biển, đảo quê hương.
Đặc biệt, khi đến thăm đảo Trường Sa lớn, ai cũng ngạc nhiên và xúc động chứng kiến hòn đảo được coi là ‘Thủ đô của huyện đảo Trường Sa” đang đổi thay từng ngày, khang trang và tươi đẹp hơn.
Những công trình quốc phòng kết hợp phục vụ dân sinh như sân bay, âu tàu, trạm thu phát tín hiệu truyền hình, điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, Nhà khách Thủ đô, Chùa Trường Sa, nhà thờ Bác Hồ, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, hệ thống năng lượng sạch, bệnh xá… được xây dựng, nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo góp phần thực hiện thắng lợi chương trình phát triển kinh tế – xã hội trên các vùng biển và hải đảo của Đảng và Nhà nước.
Lần đầu mục sở thị các hòn đảo, cảm xúc của anh Ngô Đức Hải đến từ tỉnh Kon Tum, gói trọn trong hai từ “cảm phục”. Trong đầu luôn đặt câu hỏi: “Không biết bằng cách nào với điều kiện khó khăn của ngày xưa mà cha anh ta đã vươn ra biển cả để phát hiện và gìn giữ được những hòn đảo này?”. Theo anh, đó là công lao to lớn mà thế hệ sau này phải khắc cốt ghi tâm, tình sâu ơn nặng.
Anh Hải chia sẻ: “Người dân Kon Tum hầu hết chỉ quen với những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn núi hùng vĩ. Khái niệm biển đảo khá xa lạ. Qua chuyến đi này, với tình cảm, sự chứng kiến thực tế và với trách nhiệm của một cán bộ làm công tác tuyên giáo, tôi nhất định sẽ đưa hình ảnh của biển đảo, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo đến với nhân dân Kon Tum”.
Đoàn chia tay cán bộ, chiến sĩ trên đảo. (Ảnh: Vũ An) |
“Đảo là nhà, biển là quê hương”
Đó là khẩu hiệu mà đoàn công tác có thể nhìn thấy ở khắp các điểm đảo và nhà giàn ghé chân, giống như lời “khắc cốt ghi tâm” của các cán bộ, chiến sĩ ở nơi đầu sóng ngọn gió.
Nhiều dịp được tiếp xúc với họ, chúng tôi đều cảm nhận rằng, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo không thể quên được sự hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân tại sự kiện đảo Gạc Ma năm 1988, cũng như thuấn nhuần ý thức bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, Trung úy Phan Văn Đạt – cán bộ thông tin đảo Núi Lê B, cho biết anh đã tham gia công tác ở đảo đến nay đã hơn 60 tháng. Tuy nhiên, nếu đơn vị còn cần thì người lính trẻ vẫn tiếp tục xung phong thực hiện nhiệm vụ ở hòn đảo chìm còn nhiều khó khăn và thiếu thốn này.
Không chỉ là tình cảm ở phía những người lính biển, mỗi đại biểu về với Trường Sa đều có cảm xúc riêng dành cho biển đảo quê hương.
Trên hành trình từ nhà giàn DK 1/19 Quế Đường về lại đất liền, PGS. TS, họa sĩ Đỗ Lệnh Hồng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, kịp ghi lại những ghi chép viết thành vần của ông: “Chiều nay trên biển lòng ta như chùng lại. Cay mắt khói nhang, lòng thành tưởng niệm. Sáu mươi tư liệt sĩ giữ Gạc Ma. Cố cố lắm để ngăn dòng lệ chảy. Thả mấy trăm cánh hạc trôi về chốn không cùng. Chiều cuối chiều mây mọng nước rưng rưng. Khắp bốn bề rủ nhau về tụ hội. Linh hồn thiêng như hiểu thấu lòng người”.
Trong chuyến đi này, ông Lê Bá Hòa – làm việc tại văn phòng đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam tại Đà Nẵng, như “xuất khẩu thành thơ” và gửi gắm hết tấm lòng của mình vào những trang viết có thể xuất bản thành cả tập về Trường Sa. Đại biểu Hoàng Thọ – Phó Chánh Văn phòng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cũng hóa thi sĩ với những tâm tình đầy xúc động:
Lãnh thổ linh thiêng đã lay động tâm hồn
Tám điểm đến – một hải trình tuyệt diệu
Đọng trong tim 194 đại biểu
Những nặng sâu của hai tiếng “quê hương”
Ơn các anh người tạo những cung đường
Đưa biển đảo gần hơn về đất mẹ
Cho chúng ta một niềm tin mạnh mẽ
Đất Việt ling thiêng, biển đảo trường tồn.
Chuyến đi nào cũng có bắt đầu và kết thúc, có gặp gỡ và chia tay, nhưng chắc chắn mỗi chúng tôi dù đã trở về cuộc sống thường nhật, vẫn không thể quên được những ấn tượng của hành trình đặc biệt ấy, cũng như sẽ thấu hiểu hơn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải gìn giữ lấy nó”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/truong-sa-hanh-trinh-cua-muon-cam-xuc-275668.html