Với thành tích học tập xuất sắc ở cấp 2 trường THCS Nghĩa Tân, Nguyễn Ngọc Phương Anh từng giành học bổng Cambridge 100% cho ba năm cấp 3. Điều đáng nói là cô gái sinh năm 2004 từng là diễn giả tại một sự kiện TEDx độc lập của Vinschool) vào năm lớp 10. Với chủ đề “Readers are Leaders” (Người đọc sách là người dẫn đầu), nội dung thuyết trình của cô đã thu hút tới 1,5 triệu lượt xem.
Trong kỳ ứng tuyển sớm (Early Decision) mùa tuyển sinh năm học 2022-2023, cựu học sinh Vinschool gây ấn tượng mạnh khi được nhận học bổng trị giá hơn 5 tỷ đồng từ ba trường Đại học Mỹ, lần lượt là học bổng trị giá 3,8 tỷ đồng ($160,000) của Đại học New York và hai học bổng trị giá hơn 1 tỷ đồng của Đại học Indiana và Đại học UMass Amherst.
“Trải nghiệm phong phú là một tài sản quý giá”
Chia sẻ về bộ hồ sơ giúp chinh phục học bổng danh giá tại xứ cờ hoa, Phương Anh cảm thấy bài luận đã giúp cô ghi điểm không ít. Điều đáng nói là gần sát hạn nộp hồ sơ, nữ sinh đã thực hiện hành động liều lĩnh là “đập đi xây lại” bài luận để thể hiện đúng màu sắc cá nhân.
“Bài luận ban đầu mình viết hơi theo hướng “khoe” về con người mình để gây ấn tượng với phòng tuyển sinh. Hôm đó, mình với thầy giáo chủ nhiệm cấp 3 là người Mỹ có một buổi trò chuyện ngắn và mình nhân tiện chia sẻ luôn về việc viết luận.
Thầy có đọc bài luận và nói với mình rằng bài luận không có cảm giác là Phương Anh, mà ở đâu trên thế giới đều sẽ có những người có thể viết được ra bài luận của mình. Thế là mình đọc lại. Trước giờ mình cũng không thấy bài luận này ấn tượng lắm, nhưng để an toàn thì mình cứ đúng công thức mà làm”.
Chính nhờ buổi trò chuyện đó đã khiến cô gái Việt trăn trở suy nghĩ rất nhiều và đưa đến quyết định viết lại hoàn toàn bài luận cá nhân. Và rồi cô đã viết về trải nghiệm ý nghĩa nhất của bản thân khi đó với Innovative Marketers – hoạt động ngoại khóa cuối cùng ở cấp 3.
“Mình tự nhủ sau khi nộp xong bài luận này sẽ chăm ra ngoài trải nghiệm nhiều hơn bởi theo mình, trải nghiệm phong phú là một tài sản quý giá”, Phương Anh bộc bạch.
Từ những kinh nghiệm và bài học của bản thân, cô nàng Gen Z cũng dành nhiều lời khuyên cho các bạn trẻ đang có mong muốn đi du hoc: “Các bạn hãy lên kế hoạch chuẩn bị sớm nếu có thể, nhưng hãy cởi mở với những sự thay đổi. Mình quyết định nộp hồ sơ ba tháng trước khi trường đóng đơn sau khi nghĩ mình sẽ đi Anh suốt mấy năm cấp 3.
Bốn năm đại học là của mình, mình cần tự chịu trách nhiệm cho những lựa chọn đó. Các bạn muốn đi du học có thể dành nhiều thời gian nghiên cứu về quốc gia và trường mình muốn nộp hồ sơ xem nếu bạn phải ở đó trong bốn năm tới, bạn cảm thấy như thế nào. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của người khác, nhưng cần luôn nhớ người sẽ đi học là mình.
Hãy hiểu hệ thống bạn nộp hồ sơ vào quan trọng điều gì. Mình có lợi thế ở hoạt động ngoại khóa hơn là học thuật, vậy nên mình cảm thấy nộp hồ sơ vào các trường top ở Anh sẽ không khai thác được điểm mạnh của mình, vì nhiều trường sẽ đặt nặng học thuật hơn”.
Hiện tại, Phương Anh học năm hai Đại học New York tại cơ sở Thượng Hải, Trung Quốc. Chia sẻ về quá trình làm quen và thích nghi với cuộc sống du học, tuy rằng gặp nhiều khó khăn về rào cản ngôn ngữ và sang Trung Quốc vào thời kỳ quốc gia này đang thi hành chính sách Zero-Covid, thế nhưng cựu học sinh Vinschool luôn cảm thấy biết ơn: “Mình rất may mắn vì mặc dù quá trình đi du học khi đó có phần phức tạp, nhưng mình đã gặp được nhiều người tốt trên chặng đường đó.
Mình vẫn nhớ khi vào cách ly ở Nam Kinh trước khi tới Thượng Hải, vì mình không biết tiếng Trung nên các nhân viên khu cách ly phải làm mọi cách để giúp mình hiểu cần phải làm gì.
Lần đầu đi tàu cao tốc tới Thượng Hải, mình cảm thấy rất lo lắng vì ra khỏi khu cách ly sát giờ khởi hành, mình không thể tự mua vé tàu, và mình chưa bao giờ tới ga tàu nào to như vậy, đặc biệt là khi biển báo chỉ dẫn mình đọc không hiểu.
Mình đã gặp những người lạ giúp mình xách vali, chỉ đường và hướng dẫn cho mình khi về Thượng Hải vào 11h đêm. Có người còn mua giúp mình vé tàu điện và nhất quyết không nhận tiền mình trả lại”.
Biến ngôn ngữ thành một phần của cuộc sống
Trong kỳ thi IELTS, Phương Anh cũng đạt điểm số nhiều người mơ ước. Cụ thể, cô bạn đạt 8.5 tổng điểm bốn kỹ năng, trong đó Nghe và Đọc đạt 9.0, Nói đạt 8.5 và Viết đạt 7.5.
Đầu tiên, để phát âm chuẩn, mỗi ngày cô gái Việt đều bật video nói tiếng Anh mỗi khi có thời gian rảnh. “Sáng dậy mình bật, ăn trưa cũng bật, vừa làm bài tập vừa bật, đánh răng cũng bật nghe. Và mặc dù có nhiều quan điểm đã sai thì khó chỉnh lại, nhưng thật ra phát âm của mình ngày càng chỉnh cho đúng chứ trước kia mình cũng sai nhiều”.
Cô gái 10x cũng cố gắng tối đa hóa sự tiếp xúc với ngôn ngữ. Ví dụ, khi tra Google, Phương Anh sẽ đổi tra từ tiếng Việt sang tiếng Anh để bản thân dần dần chỉ tiếp xúc với ngôn ngữ này.
Để trau dồi khả năng nói, cô nàng Gen Z có thói quen nói một mình để tự sửa lỗi trước khi tự tin nói chuyện với người khác. Kỹ năng viết của Phương Anh được rèn luyện qua cách rất hay là viết nhật ký bằng tiếng Anh.
Như vậy, bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều được cải thiện. Nhờ kiên trì với phương pháp này, tiếng Anh đã ăn sâu được vào hệ thống ngôn ngữ của cô bạn.
Hiện tại, cô gái sinh năm 2004 cũng học tiếng Trung theo cách tương tự, cố gắng nghe nhiều, đọc nhiều, hay như khi đi siêu thị, cô sẽ viết danh sách những thứ cần mua bằng tiếng Trung để tranh thủ học.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hanh-trinh-chinh-phuc-hoc-bong-hon-5-ty-dong-cua-nu-sinh-viet-20240830064139416.htm