Bài 1: Chuyện 3 bộ sáp nhập thành 1
Trước tình trạng tổ chức bộ máy cồng kềnh, hiệu lực và hiệu quả thấp, năm 1995, Đảng ta đã quyết định thực hiện một bước cải cách nền hành chính nhà nước.
Trong cuộc cải cách này, Đảng và các cơ quan Nhà nước đã quyết định thực hiện sáp nhập một số bộ, ban ngành có chức năng nhiệm vụ tương đồng để phù hợp với đường lối đổi mới kinh tế, tạo tiền đề tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đổi mới tổ chức bộ máy chưa theo kịp
Hơn 8 năm sau Đại hội VI của Đảng, công cuộc đổi mới kinh tế do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã thu được những thành tựu rất quan trọng. Bộ mặt đất nước có nhiều thay đổi, tạo tiền đề tiến tới một bước sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy vậy, trong khi phương thức quản lý tập trung bao cấp được xóa bỏ thì tổ chức bộ máy lại chưa kịp đổi mới theo, dẫn đến nhiều bất cập, chồng chéo.
Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thế giới – từng là thành viên nhóm tư vấn cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười về chống lạm phát – kể rằng, trước đổi mới, bộ máy Nhà nước được thiết kế theo mô hình kế hoạch bao cấp, mỗi bộ, ngành quản lý một lĩnh vực nên số lượng các cơ quan thuộc Chính phủ rất nhiều.
“Đại hội IV của Đảng mới chỉ tập trung vào đổi mới kinh tế, chưa thực hiện đổi mới nền hành chính nên số lượng các cơ quan thuộc Chính phủ nhiều, chồng chéo cũng là điều dễ hiểu”, ông Lược nói.
Sau đổi mới kinh tế năm 1986, Đảng, Nhà nước bước đầu thực hiện sắp xếp lại các bộ, ngành cho phù hợp. Tuy vậy, theo ông Lược, đến năm 1995, nhìn lại thì số lượng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ vẫn còn rất lớn.
Ông Lược dẫn chứng, trong lĩnh vực thuộc Bộ Công Thương phụ trách hiện nay, khi đó có: Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Năng lượng, Bộ Thương mại.
Tương tự, ở lĩnh vực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, ở vào thời điểm đó thuộc chức năng nhiệm vụ của 4 bộ, gồm: Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy lợi và Bộ Thủy sản.
“Mỗi bộ phụ trách một lĩnh vực riêng nên bộ máy Chính phủ rất cồng kềnh, nhiều tầng nấc, thủ tục hành chính rất phức tạp”, ông Lược nói.
Trong khi đó, sau công cuộc đổi mới, kinh tế phát triển nhanh, mạnh, vai trò quản lý của nhiều bộ ngành bị thu hẹp lại, đòi hỏi phải có cuộc cải cách về nền hành chính nhà nước.
Nhìn thẳng vào sự thật
Ngày 16/1/1995, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VII chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Đỗ Mười (theo tư liệu văn kiện lịch sử) đã nhấn mạnh những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng và hăng hái thực hiện.
Qua thực hiện đường lối đổi mới, bộ mặt đất nước có nhiều thay đổi, tạo tiền đề tiến tới một bước sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư Đỗ Mười thẳng thắn chỉ ra những mặt yếu kém, cả về kiến thức, năng lực tổ chức thực tiễn của bộ máy, cũng như trình độ và phẩm chất của cán bộ, nhân viên nhà nước.
Bộ máy ngày một phình ra, trở nên rất cồng kềnh, chồng chéo với nhiều tầng nấc; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thấp; tình trạng coi thường phép nước, bất chấp pháp luật, kỷ cương, nạn hối lộ, buôn lậu diễn ra khá nghiêm trọng, cả trong bộ máy, cả ngoài xã hội.
“Đó là nỗi nhức nhối nhất thiết không thể cho phép tồn tại”, Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định tại Hội nghị lần thứ 8 năm 1995.
Vì thế, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị Trung ương 8 là thảo luận và đề ra chủ trương, biện pháp nhằm cải cách một bước nền hành chính nhà nước phù hợp với đòi hỏi của tình hình trong giai đoạn mới.
“Đương nhiên, đây không phải là công việc đơn giản, dễ dàng, thuận buồm xuôi gió mà có nhiều khó khăn, phức tạp vì nó trực tiếp đụng chạm đến lợi ích cục bộ, cá nhân, đến sức ỳ của những nhận thức, thói quen đang cản trở công cuộc đổi mới; nó đặt ra yêu cầu cao hơn về phẩm chất, kiến thức và năng lực của từng người, của cả bộ máy trong công tác lãnh đạo và quản lý xã hội”, Tổng Bí thư Đỗ Mười khi đó nhấn mạnh…
Đồng thuận sáp nhập bộ, ngành
Quốc hội khóa IX quyết định sáp nhập nhiều bộ ngành. Ảnh:Quochoi.vn |
Chỉ 6 ngày sau phiên khai mạc, Trung ương ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ 8 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Cải cách một bước nền hành chính nhà nước (ngày 23/1/1995).
Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, đây được coi là một trong những nghị quyết lớn, có phạm vi toàn diện đầu tiên của Đảng về xây dựng và hoàn thiện nhà nước, cải cách nền hành chính sau khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX (tháng 10/1995), Quốc hội quyết định hợp nhất các bộ, trong đó hợp nhất Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Năng lượng và Bộ Công nghiệp nhẹ thành Bộ Công nghiệp; thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất 3 bộ: Lâm nghiệp, Thủy Lợi và Bộ Nông nghiệp & Công nghiệp thực phẩm.
“Đảng ta đã thực hiện nhiều lần sắp xếp tổ chức bộ máy. Nhưng nếu tính từ thời điểm Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới với trọng tâm là đổi mới kinh tế (năm 1986) thì Nghị quyết 08 có phạm vi cải cách sâu rộng nhất và có mức tác động nhiều nhất đến các cơ quan nhà nước, đến tổ chức bộ máy”, ông Phúc nói.
Một trong những mục tiêu và yêu cầu được Nghị quyết số 08 nêu ra là điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ theo hướng giảm dần số lượng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Tăng cường trách nhiệm của bộ trưởng trong việc quyết định các vấn đề thuộc chức năng và thẩm quyền của bộ. Thủ tướng tập trung vào việc chỉ đạo, phối hợp công việc giữa các bộ, giải quyết các vấn đề vượt khỏi thẩm quyền của bộ trưởng và trực tiếp nắm các vấn đề lớn như lập quy hoạch, kế hoạch, ngân sách, tổ chức và nhân sự hành chính cấp cao…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được hình thành trên cơ sở việc sáp nhập nhiều bộ ngành |
Đến tháng 10/1995, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX quyết định thực hiện một bước việc sáp nhập các bộ, trong đó có việc hợp nhất Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Năng lượng và Bộ Công nghiệp nhẹ thành Bộ Công nghiệp; thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất 3 bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thủy lợi…
Nhớ lại thời điểm trên, ông Nguyễn Túc khi đó đang là Ủy viên Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kể, ở thời điểm đó, qua lắng nghe, trao đổi thì đa số đều bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập các bộ, ngành lại với nhau. Vậy nên, khi Chính phủ trình phương án sáp nhập các bộ, ngành ra Quốc hội nhận được sự đồng tình rất cao.
“Thời đấy, qua lắng nghe, trao đổi, tôi thấy cũng có những tâm tư nhất định nhưng không nhiều, không quá phức tạp. Đa phần đều ủng hộ nên quá trình thực hiện cải cách tổ chức bộ máy diễn ra tương đối thuận lợi”, ông Túc nhớ lại.
Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho biết, trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới kinh tế, trong nhiệm kỳ Đại hội VII, Đảng đã quyết định thực hiện cải cách một bước nền hành chính nhà nước. “Chúng ta đã thực hiện đường lối đổi mới kinh tế nhiều năm rồi, cơ chế quản lý kiểu cũ không còn phù hợp nữa, cần phải đổi mới nền hành chính nhà nước, tổ chức bộ máy cho phù hợp với thực tế”, ông Phúc nói.
Văn Kiên – Tienphong.vn
Nguồn:https://tienphong.vn/hanh-trang-buoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-post1696880.tpo