Những khối vật chất lạ bên trong trái đất được phát hiện lần đầu bởi các nhà địa vật lý học vào thập niên 1980. Những khối này được tìm thấy bên dưới châu Phi và Thái Bình Dương, có cấu tạo gồm nhiều nguyên tố khác nhau và có kích thước lớn gấp đôi mặt trăng.
Thời điểm đó, các nhà khoa học không biết khối vật chất đó là gì. Giờ đây, họ cho rằng đó thật ra là tàn tích của một hành tinh xa xưa từng đâm vào trái đất, cùng vụ va chạm đã tạo ra mặt trăng.
Phát hiện được nêu ra trong nghiên cứu đăng trên chuyên san khoa học Nature, theo tạp chí Newsweek.
Theo các nhà khoa học, mặt trăng được tạo ra khi trái đất va chạm với hành tinh nhỏ hơn có tên là Theia. Tuy nhiên, chưa có vết tích nào của hành tinh này được tìm thấy. Nghiên cứu mới gợi ý rằng nó có thể đã bị hấp thụ hết bởi trái đất. Quá trình đó có thể đã tạo ra những khối vật chất lạ nói trên.
Những khối vật chất này, còn được gọi là Vùng vận tốc thấp kích thước lớn (LLVP), được phát hiện vào thập niên 1980 qua việc đo đạc sóng địa chấn. Các nhà khoa học phát hiện rằng mẫu bên trong lớp vỏ sâu nhất của trái đất có sự khác biệt. Việc đo đạc gợi ý rằng hai cấu trúc LLVP được phát hiện có hàm lượng sắt rất cao, đồng nghĩa bước sóng đã chậm lại.
Nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Qian Yuan tại Viện Công nghệ California (CalTech), người dẫn đầu nghiên cứu nói trên, cũng có nhiều giả thuyết về điều đã xảy ra với Theia và cách nó va chạm với trái đất. Ông Yuan và nhóm nghiên cứu xác định rằng vụ va chạm có thể đã hình thành mặt trăng và các khối vật chất trong trái đất. Lớp vỏ của Theia cũng có thể hợp nhất vào lớp vỏ trái đất, đông cứng lại và hình thành các khối vật chất.
Giáo sư địa chất và địa hóa học Paul Asimov cũng tại CalTech cho rằng với giả thuyết như trên, cần phải tìm hiểu thêm việc hình thành đó đã ảnh hưởng gì đến sự tiến hóa ban đầu của trái đất, như giai đoạn hút chìm ban đầu trước khi các điều kiện trở nên phù hợp cho các đĩa kiến tạo, việc hình thành các lục địa và nguồn gốc của các loại khoáng sản cổ nhất.