Thời điểm này, bà con nông dân một số vùng ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang tập trung thu hoạch hành tăm. Năng suất tốt, giá bán cao là những tín hiệu vui trong mùa thu hoạch năm nay.
Video: Nông dân Nghi Xuân phấn khởi thu hoạch hành tăm.
Những ngày này, bà con nông dân ở các xã Xuân Mỹ, Xuân Giang, thị trấn Tiên Điền… đang tập trung thu hoạch hành tăm. Dù thu hoạch vào thời điểm nắng nóng nhưng bà con phấn khởi vì hành tăm được mùa, được giá.
Chị Nguyễn Thị Giang – thôn Thuận Mỹ, xã Xuân Mỹ cho biết: “Nhà tôi làm 2 sào, năm nay, hành tăm được mùa, củ to, năng suất đạt gần 5 tạ/sào. Tính ra, sản lượng ước đạt gần 1 tấn, với giá thương lái đặt mua hơn 80 nghìn đồng/kg, gia đình tôi dự kiến thu về trên 80 triệu đồng”.
Theo người dân trồng hành ở Nghi Xuân, thời tiết năm nay khá thuận lợi, cùng với sự đầu tư chăm sóc, phòng dịch bệnh hiệu quả của bà con nông dân nên cây phát triển, cho năng suất củ cao hơn khoảng 20% so với năm 2022.
Đáng mừng là, giá hành tăm đang tăng cao, dễ tiêu thụ. Vào đầu vụ (tháng 5), giá chỉ ở mức giá 50 – 55 nghìn đồng/kg nhưng hiện đã tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022, dao động từ 80 – 90 nghìn đồng/kg.
Tại xã Xuân Mỹ, diện tích trồng hành tăm rộng hơn 10 ha, trong đó, chủ yếu tập trung tại thôn Thuận Mỹ. Hiện tại toàn xã đã thu hoạch được hơn 40% diện tích. Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, bà con nông dân tự nguyện hỗ trợ nhau, thu hoạch cuốn chiếu các diện tích. Sau khi thu gom đủ số lượng lớn, người dân sẽ bán lại cho thương lái.
Bà Trần Thị Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ cho hay: “Hành tăm là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, đặc biệt rất phù hợp với các vùng đất cao cưỡng. Năm nay, sản lượng hành tăm toàn xã Xuân Mỹ ước đạt hơn 80 tấn, với giá bán hiện tại thì có thể thu về trên 6 tỷ đồng”.
Hiện nay, xã Xuân Giang được xem là “vựa” trồng hành tăm của huyện Nghi Xuân với tổng diện tích hơn 15 ha, tập trung nhiều nhất ở 2 thôn: Hồng Tiến và Hồng Khánh.
Vào mùa thu hoạch, người nông dân dùng chiếc bai nhỏ để dễ dàng thu gọn số hành đã “già”.
Ông Hồ Văn Hùng – thôn Hồng Tiến cho biết: “Sau khi thu hoạch xong lúa, lạc, 2 ngày nay vợ chồng tôi bắt đầu “đội nắng” ra đồng thu hoạch hơn 1 sào hành tăm. Dù nắng nóng nhưng niềm vui nhân đôi vì hành tăm được mùa, được giá hơn so với nhiều năm trước”.
Thời điểm này hành đã đủ độ già nên việc làm sạch dễ dàng hơn. Người dân trồng hành tăm không phải vất vả tìm mối tiêu thụ mà các thương lái các huyện lân cận và tỉnh Nghệ An đến tận nhà thu mua.
Nhiều năm nay, cây hành tăm đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương, cho giá trị thu nhập cao hơn trồng lúa. Dù vậy, người trồng hành tăm rất vất vả, mất khá nhiều công sức, nhất là giai đoạn thu hoạch, bà con phải dọn cỏ trước khi bới.
Hành tăm năm nay củ to, đẹp; giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, sức tiêu thụ lớn.
Toàn huyện có hơn 40 ha diện tích hành tăm, gieo trỉa từ tháng 10/2022 và thu hoạch bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 7/2023. Hành tăm là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao ở Nghi Xuân tuy nhiên giá bán vẫn còn phụ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ, thiếu bền vững. Do vậy, việc phát triển mở rộng diện tích đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, huyện đang khuyến khích các hộ xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình VietGap, từ khâu sản xuất đến thu hoạch và sơ chế, đồng thời liên kết với các cơ sở để bao tiêu sản phẩm để có đầu ra ổn định và tăng cao giá trị.
Ông Lê Anh Đức
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân
Hữu Trung