Duy trì và nhân rộng mô hình chăm sóc trẻ em
Trong 445.923 trẻ toàn tỉnh An Giang, có hơn 4.600 trẻ được xác định có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em. Tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 85%. Bên cạnh đó, 36.826 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, tỷ lệ được chăm sóc đạt 63%. Trên địa bàn tỉnh đang duy trì 192 địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng, với 782 thành viên tham gia. Ngoài ra, 20 tổ an toàn cho phụ nữ và trẻ em, 286 thành viên tham gia. Nhiều mô hình liên quan được duy trì, nhân rộng thường xuyên.
Theo kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 của UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh, sở, ngành tổ chức đoàn đến thăm, trao tặng quà cho trẻ em tại trung tâm bảo trợ xã hội công lập, cơ sở nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ngoài công lập, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu, huyện An Phú, Châu Phú, Phú Tân và Chợ Mới đảm bảo bình quân 100 phần quà/địa phương cho trẻ em, trị giá khoảng 250.000 đồng/phần.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Bảo Trân, đơn vị được giao chủ trì các hoạt động diễn ra từ ngày 1/6 đến 30/6. Cụ thể, tổ chức trại hè tại tỉnh Lâm Đồng cho trên 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thành tích học tập tốt; vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài ra, kết nối nhà tài trợ khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh hiểm nghèo, khuyết tật, dị tật vận động…
Vận động nguồn lực chăm lo vật chất và tinh thần cho trẻ em
Trong hoạt động chăm lo, tỉnh còn tranh thủ kết nối, tiếp nhận quà tặng từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn khác để trao học bổng, sổ tiết kiệm, quà… cho trẻ mồ côi do dịch COVID-19, trẻ khuyết tật có thành tích tốt. Song song đó, đỡ đầu, hỗ trợ thiết bị vui chơi giải trí, đồ dùng học tập, tủ sách tại cộng đồng… cho trẻ thuộc hộ nghèo, bị bạo lực, xâm hại. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị biểu dương trẻ em khuyết tật; phối hợp sở, ban, ngành, đoàn thể đảm bảo kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Thực hiện theo kế hoạch của tỉnh, từ ngày 25/5 đến 1/6, UBND huyện Châu Thành chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ điều kiện và tình hình thực tế tổ chức lễ phát động một cách thiết thực, tiết kiệm. Riêng cấp huyện tổ chức lễ phát động vào ngày 1/6 tại thị trấn An Châu. Đồng thời, tổ chức diễn đàn trẻ em cấp huyện, củng cố và nhân rộng điểm tư vấn học đường; truyền thông chủ trương, chính sách vì trẻ em; tuyên truyền trực quan; truyền thông tại cộng đồng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Hồ Hữu Tài thông tin, huyện còn vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi, tặng quà động viên, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh nghèo, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em khó khăn vùng sâu, vùng xa… Yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ, nhằm tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh.
UBND huyện Phú Tân sẽ tổ chức lễ ra quân hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em ở các cấp; diễn đàn chủ đề “Trẻ em nói về các vấn đề phòng, chống xâm hại bạo lực, xâm hại, đuối nước ở trẻ em và an toàn trên môi trường mạng”. UBND huyện phối hợp Sở LĐ-TB&XH tổ chức “Phiên tòa giả định”, tọa đàm về phòng, chống xâm hại trẻ em. Từ mô hình điểm “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đến nay huyện đã nhân rộng đến 100% xã, thị trấn; đang duy trì, triển khai đến 100% hộ gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi quy định xây dựng “Ngôi nhà an toàn”.
Các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết vấn đề về trẻ em; phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em. Qua đó, thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. |