Nâng cao nhận thức
Việc sử dụng điện tiết kiệm đã trở thành thói quen hằng ngày của gia đình ông Nguyễn Anh Dũng (P.Hòa Thuận Đông, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng). Ông Dũng chia sẻ: “Trước đó gia đình tôi sử dụng rất nhiều thiết bị không đúng cách, dẫn đến lãng phí điện. Sau khi áp dụng các biện pháp theo hướng dẫn của ngành điện, hằng tháng gia đình tôi tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ”. Vào mùa nắng nóng thay vì để điều hòa ở mức nhiệt độ là 24 độ như trước đây, gia đình ông luôn duy trì ở mức 27 độ; nhắc nhở các thành viên trong gia đình tắt bớt các thiết bị điện vào giờ cao điểm.
Gia đình chị Nguyễn Thị Vân (P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cũng thường xuyên tiết kiệm điện bằng những việc làm nhỏ, từng bước mang lại hiệu quả lớn. Khi mua các thiết bị điện, chị đều lựa chọn các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, nhắc nhở các thành viên rút phích cắm đối với các thiết bị như tivi, dàn âm thanh, máy quạt… khi không sử dụng.
Tiết kiệm điện là tiết kiệm chi phí cho mỗi gia đình
Việc lựa chọn thiết bị điện tiết kiệm, sử dụng một cách hợp lý, khoa học… là những giải pháp giúp tiết kiệm điện năng trong gia đình, giúp giảm chi phí tiền điện đáng kể.
Cụ thể, một mô hình đối chứng thí nghiệm về hoạt động của máy điều hòa nhiệt độ trong các điều kiện thời tiết khác nhau của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) đã chứng minh rằng: Nếu trong cùng điều kiện nhiệt độ môi trường là 35 độ C, khi cài đặt nhiệt độ điều hòa ở 26 độ C thì điện năng tiêu thụ hết 3,55 kWh; còn cài đặt điều hòa 20 độ C thì điện năng tiêu thụ là 8,51 kWh. Như vậy, để nhiệt độ càng thấp, máy điều hòa càng tiêu thụ nhiều điện năng. Công ty Điện lực Đà Nẵng cho biết, điều hòa nhiệt độ là thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỷ trọng từ 28 – 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Khi thời tiết nắng nóng 35 đến 40 độ C, nếu bật điều hòa ở nhiệt độ 18 độ C, lúc này mức tiêu thụ điện của điều hòa có thể tăng lên đến 400% so với những ngày nhiệt độ ở mức trung bình và cài máy lạnh ở mức 27 độ C. Chính vì vậy, các gia đình nên cài đặt máy lạnh ở 27 độ C để vừa đủ mát, vừa giúp tiết kiệm điện và chi phí tiền điện.
Nhiều người có thói quen không rút phích cắm ti vi ra khỏi ổ điện mà tắt bằng điều khiển từ xa, cũng như không rút sạc điện thoại dù đã sạc xong. Tuy điện năng tiêu tốn tại thời điểm đó không cao nhưng xét về lâu về dài, số tiền bạn phải bỏ ra cũng nhiều đáng kể.
Ngoài ra, để tiết kiệm điện và giảm chi phí tiền điện mùa nắng nóng, người dân nên thực hiện một số biện pháp như: hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc; sử dụng tủ lạnh đúng cách đảm bảo nhiệt độ bên trong tủ dao động từ 3-6 độ C và âm 15 đến âm 18 độ C với chế độ đông lạnh; làm sạch các thiết bị, lau hết bụi bẩn giúp các thiết bị điện tăng gấp đôi công năng của nó khiến đèn sáng hơn, quạt thổi mạnh hơn; chọn loại bóng đèn led để tiết kiệm điện hơn…
“Chỉ thực hiện một hành động nhỏ để tiết kiệm điện là đã đem lại lợi ích lớn vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như tiết kiệm tài chính của khách hàng. Vì thế, hãy tắt các thiết bị điện khi không sử dụng và coi đây là việc làm thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người”, Phó giám đốc PC Đà Nẵng Bùi Đỗ Quốc Huy chia sẻ.