Vào cuối năm 2006, nhà kinh tế học người Anh Nicholas Stern đã đưa ra một báo cáo đánh dấu bước ngoặt về vấn đề biến đổi khí hậu. Khi đó, ông Stern lập luận rằng, mặc dù chi phí để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 là “đáng kể” nhưng cái giá phải trả nếu không có hành động gì và để tình trạng nóng lên toàn cầu diễn ra tràn lan còn nặng nề hơn nhiều. Ông Stern cũng bổ sung một khía cạnh kinh tế: Đó là, về lâu dài, cái giá phải trả cho “hành động vì khí hậu” sẽ thấp hơn là “không hành động gì”.

Gần hai thập kỷ sau, với việc trái đất vừa trải qua tháng 6 và tháng 7 nóng nhất trong lịch sử hiện đại, đồng thời nhiệt độ đại dương cũng đạt mức cao kỷ lục, các nhà kinh tế của Allianz đã xem xét thiệt hại của các đợt nắng nóng tấn công vào Mỹ, Trung Quốc và miền nam châu Âu từ ngày 1-5 đến 4-8. Các chuyên gia kinh tế kết luận rằng, GDP của thế giới đã mất 0,6%. Trong đó, Trung Quốc bị ảnh hưởng đặc biệt với 1,3% GDP bốc hơi, còn Mỹ là 0,3%. Tại châu Âu, GDP của Hy Lạp và Tây Ban Nha lần lượt giảm 0,9% và 1%, trong khi Italy là 0,5% và Pháp là 0,1%.

Allianz thừa nhận, những tính toán này chỉ mang tính tương đối và chưa đầy đủ. Các chuyên gia kinh tế còn chưa tính đến thiệt hại do thiên tai, chẳng hạn như cháy rừng, hạn hán hay lũ lụt nghiêm trọng. Trong nghiên cứu của mình, Allianz tập trung vào tác động của nắng nóng đối với năng suất công việc: Một ngày quá nóng có thể khiến hoạt động ở công trường xây dựng chậm lại, thậm chí dẫn đến việc đóng cửa tạm thời. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các trang trại, nơi điều kiện làm việc vô cùng vất vả dưới cái nắng nóng lên tới hơn 40 độ C…

Nắng nóng gây cháy rừng ở làng Gennadi, trên đảo Rhodes của Hy Lạp ngày 25-7-2023. Ảnh: AFP 

Trước đó, một nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ năm 2021 nhấn mạnh rằng, mỗi ngày ở nhiệt độ hơn 90°F (tương đương 32°C) gây ra tổn thất 0,04% tiền lương. Bằng cách ngoại suy kết quả này, với số ngày nhiệt độ vượt quá 32°C ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc kể từ ngày 1-5 đến 4-8, các chuyên gia của Allianz đưa ra kết luận rằng thế giới đã thiệt hại 0,6% GDP vì nắng nóng trong khoảng thời gian trên. Theo ông Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng tại Allianz, một phần của sự tăng trưởng này sẽ được bắt kịp trong những tháng tới, chẳng hạn các công trường xây dựng sẽ được hoàn thành sau đó. Nhưng không phải tất cả, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp bị mất không bao giờ được phục hồi. Tổng cộng, khoảng 0,3%-0,4% GDP sẽ bị mất mà không được thu hồi.

Kết luận này là sự xác nhận hiệu quả của nhiều nghiên cứu được tiến hành trước đó. Vào tháng 1-2022, Ngân hàng Liên bang Đức (Bundesbank) đã thực hiện một nghiên cứu về tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đối với các nước châu Âu bằng cách so sánh nhiệt độ từ năm 1960 đến năm 2020. Theo đó, nắng nóng gây thiệt hại lớn hơn ở các quốc gia có nền nhiệt cao hơn. Ví dụ, tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm đã giảm 0,9% ở Malta, 0,7% ở Síp và Bồ Đào Nha và 0,6% ở Tây Ban Nha. Ngược lại, Phần Lan và Áo được hưởng lợi từ nhiệt độ cao khiến mùa đông ít lạnh hơn. Hai quốc gia này đạt mức tăng trưởng trung bình hằng năm lần lượt là 1,1% và 0,4%. Pháp nằm giữa hai quốc gia này có mức tăng trưởng kinh tế là 0,4%.

“Tất cả các nghiên cứu đều xác nhận rằng quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon có chi phí cao, nhưng nếu chúng ta không làm gì, điều đó sẽ khiến nền kinh tế yếu đi đáng kể”, Marchel Alexandrovich, nhà kinh tế chuyên về các vấn đề khí hậu tại công ty tư vấn Saltmarsh Economics, khẳng định.

Trong khi đó, ông Surban bổ sung rằng, “ngay cả khi con người cố gắng đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, nhiệt độ sẽ tăng lên và các hiểm họa cháy rừng, lũ lụt cũng nhiều hơn. Do đó, chúng ta phải chấp nhận rằng, dù nỗ lực thì một phần tăng trưởng cũng sẽ bị mất”. Ông Subran kêu gọi các cơ quan công quyền tự giải quyết vấn đề để thích ứng tốt hơn với tình hình mới, chẳng hạn bằng cách “xanh hóa” các thành phố hoặc sửa đổi luật lao động cho phép các công ty cấm một số hoạt động khi nhiệt độ bị vượt quá giới hạn.

Ví dụ như tại bang Bavaria, phía Nam nước Đức, ghi nhận nhiệt độ cao nhất 38,8°C vào tháng 7. Trước thực tế đó, các bác sĩ kêu gọi thiết lập chế độ ngủ trưa trong các đợt nắng nóng, để nhân viên nghỉ trưa dài và kết thúc ngày làm việc muộn hơn. Mô hình này hiện cũng đang được áp dụng ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bắt đầu và cần rất nhiều cuộc thảo luận để tìm ra lời giải cho bài toán khó về chống biến đổi khí hậu này.

BÌNH NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.