Trong số 270 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, có tới 38 vụ việc liên quan đến chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
Hàng Việt bị điều tra 38 vụ việc liên quan đến lẩn tránh biện pháp phòng vệ
Trong số 270 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, có tới 38 vụ việc liên quan đến chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
Tháng 9/2024, Nam Phi khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG đối với mặt hàng lốp xe ôtô, xe buýt của Việt Nam. |
Bộ Công thương vừa thông tin về tình hình phòng vệ thương mại của các thị trường nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2024, trong số 28 vụ việc phòng vệ thương mại bị nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mới phát sinh của 12 thị trường thì có tới 13 vụ việc từ thị trường Mỹ.
Trong bối cảnh gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại, liên quan đến công tác kháng kiện, năm qua, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại để ứng phó với các vụ việc phòng vệ do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đến nay, đã có 270 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (148 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (38 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc).
“Bộ Công thương đã kịp thời hoàn tất điều tra một số vụ việc phòng vệ khởi xướng từ năm 2023 và rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ đòi hỏi xử lý trong năm 2024. Cùng sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, Bộ đã hỗ trợ trong việc cung cấp thông tin hướng dẫn trả lời bản câu hỏi; nghiên cứu lập luận tại các giai đoạn cụ thể của từng vụ việc; đồng thời, nghiên cứu các kết luận và gửi thư tham vấn với cơ quan điều tra nước ngoài”, Báo cáo của Bộ này nêu.
Danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ, chống lẩn tránh thuế phòng vệ cũng được cập nhật vào tháng cuối hàng quý gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi.
Ở chiều ngược lại, trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Tính đến nay, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu, hiện đang có 16 biện pháp phòng vệ thương có hiệu lực.
Năm 2024, Bộ Công thương tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 3 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 3 vụ việc rà soát cuối kỳ; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Nguồn: https://baodautu.vn/hang-viet-bi-dieu-tra-38-vu-viec-lien-quan-den-lan-tranh-bien-phap-phong-ve-d232399.html