Trải qua mùa đại hội cổ đông năm, hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành số lượng lớn cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn với giá trị lên đến hàng tỷ USD. Đứng đầu bảng là các doanh nghiệp thuộc ngân hàng, kinh doanh chứng khoán và bất động sản.
17 tỷ cổ phiếu của ngân hàng tung ra thị trường chứng khoán
Trong số các ngành tại sàn chứng khoán, nhóm ngân hàng ghi nhận động thái phát hành thêm cổ phiếu ra thị trường tích cực nhất. Đến thời điểm hiện nay, chỉ có 3/27 ngân hàng niêm yết chưa công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu. Tính riêng ngành ngân hàng, số cổ phiếu phát hành ra thị trường đợt này đã lên tới 17,1 tỷ cổ phiếu.
Đạt số lượng cổ phiếu phát hành cao nhất là Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank, mã CK: TCB, niêm yết trên sàn HOSE). Theo kết quả đại hội cổ đông của Techcombank thông qua phương án nâng vốn lên gấp đôi (từ hơn 35.225 tỷ đồng lên hơn 70.450 tỷ đồng) thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, Techcombank sẽ phát hành thêm 3,5 tỷ cổ phiếu.
3 nhà băng nhóm BIG4 (nhóm 4 ngân hàng lớn nhất tại thị trường Việt Nam) cũng có kế hoạch phát hành hàng tỷ cổ phiếu. Cụ thể, Ngân hàng Công thương (VietinBank, mã CK: CTG, HOSE) không phát hành nhằm tăng thêm vốn mà sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận năm 2023 sau khi trích lập các quỹ để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ước tính CTG sẽ phát hành thêm 2,5 tỷ cổ phiếu, vốn điều lệ tăng từ 53.700 lên 79.148 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank, mã CK: VCB, HOSE) cũng công bố kế hoạch dùng toàn bộ lãi còn lại sau khi trích quỹ năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Theo đó, VCB sẽ phát hành thêm 2,17 tỷ cổ phiếu.
Đại hội cổ đông của Ngân hàng đầu tư và phát triển (BIDV, mã CK: BID, HOSE) cũng thông qua kế hoạch đề xuất của hội đồng quản trị phương án tăng thêm 13.600 tỷ đồng vốn điều lệ năm 2024 bằng việc phát hành 1,36 tỷ cổ phiếu thông qua 2 phương án: trả cổ tức và bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Ngoài ra, 20 ngân hàng còn lại cũng đã công bố kế hoạch phát hành thêm hàng triệu cổ phiếu, như: Ngân hàng Quân đội (MBBank, mã CK: MBB, HOSE) phát hành thêm 858 triệu cổ phiếu (tăng 8.580 tỷ đồng vốn), Ngân hàng Bưu điện Liên việt (LPBank, mã CK: LPB, HOSE) phát hành 800 triệu cổ phiếu (tăng 8.000 tỷ đồng vốn), Ngân hàng Quốc dân (NCB, mã CK: NVB, HOSE) phát hành 620 triệu cổ phiếu (tăng 6.200 tỷ đồng vốn)…
Các công ty chứng khoán đua nhau tăng vốn
Nhóm các công ty kinh doanh chứng khoán cũng lên kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu nhằm tăng nguồn vốn. ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Chứng khoán SSI (mã CK: SSI, HOSE) đã thông qua kế hoạch phát hành 453,2 triệu cổ phiếu, trong đó, 302,2 triệu cổ phiếu thưởng và 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông. Nhờ vào điều này, vốn điều lệ SSI dự kiến sẽ tăng lên 19.645 tỷ đồng (tăng 30% so với vốn hiện tại).
Chứng khoán LPBank – LPBS ước tính sẽ phát hành thêm 363,8 triệu cổ phiếu để gia tăng năng lực vốn như kế hoạch đề ra, tăng gấp 15 lần so với mức hiện tại (250 tỷ đồng), lên 3.888 tỷ đồng.
Chứng khoán Vietcap (mã CK: VCI, HOSE) cũng trình kế hoạch phát hành thêm hơn 281 triệu cổ phiếu trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay diễn ra vào tháng 4 vừa qua, tăng vốn thông qua các hình thức: phát hành cho người lao động (ESOP), chào bán riêng lẻ và phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Sau khi hoàn thành các phương án tăng vốn trên, VCI đạt mục tiêu đưa vốn điều lệ vượt 7.000 tỷ đồng (tăng gần 64% so với mức hiện tại).
Theo giới phân tích, nhu cầu gia tăng năng lực vốn, thậm chí là rất cao trong nhóm tài chính (ngân hàng và chứng khoán) bằng cổ phiếu chủ yếu là để mở rộng quy mô hoạt động, chiếm thị phần, cải thiện năng lực cho vay ký quỹ (margin) hoặc là tự doanh.
Bất động sản gọi vốn bằng cổ phiếu
Bên cạnh, nhóm ngành ngân hàng – chứng khoán, nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng công bố kế hoạch phát hành số lượng cổ phiếu lớn trong thời gian tới.
Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã CK: NVL, HOSE) đã công bố kế hoạch phát hành 1,2 tỷ cổ phiếu tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 và các cổ đông đã thông qua bằng văn bản. Cổ phiếu được phát hành bằng cách chào bán cho cổ đông hiện hữu dưới dạng quyền mua.
Tập đoàn Hòa Phát (mã CK: HPG, HOSE) công bố thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 10%, tương ứng với 581,5 triệu cổ phiếu được phát hành thêm, giúp tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng.
Tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu được đánh giá là hoạt động chính đáng, là giải pháp được nhiều doanh nghiệp “ưa chuộng” giúp mở rộng kinh doanh, thanh toán nợ, đầu tư,…trong bối cảnh huy động vốn bằng trái phiếu gặp nhiều khó khăn.
Điển hình là trường hợp của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã CK: PDR, HOSE). Vào cuối năm 2023, PDR đã hoàn thành đợt chào bán riêng lẻ 67,16 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp. Nhờ vào đó, công ty đã huy động thành công 671 tỷ đồng, thanh toán hết khoản nợ trái phiếu vào cuối năm 2023.
Mới đây, công ty tiếp tục áp dụng cách thức này để huy động vốn và được Ủy ban chứng khoán chấp thuận chào bán 134,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Số tiền dự kiến huy động là 1.343 tỷ đồng, sử dụng để đầu tư các dự án bất động sản.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác từ các lĩnh vực bán lẻ, giáo dục, dịch vụ, nguyên liệu,… cũng công bố phát hành số lượng cổ phiếu lớn trong năm nay.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, một lượng lớn cổ phiếu “đổ bộ” vào thị trường không hẳn là điều thuận lợi, thậm chí, còn có thể gây ra áp lực cho thị trường.
Hơn nữa, điều này còn phụ thuộc vào bối cảnh hoạt động của các nhóm ngành có đủ sôi động để giúp nhà đầu tư thu về lãi. Số lượng cổ phiếu tăng còn có thể làm gia tăng tình trạng cổ phiếu bị pha loãng khiến mỗi cổ đông hiện hữu sẽ chịu ảnh hưởng về quyền lợi đáng kể.
Chứng khoán DNSE đưa ra đánh giá, phát hành cổ phiếu có tác động cả tích cực và tiêu cực, ảnh hưởng tới cổ đông và các doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần nhận biết rõ để có phương pháp giải quyết hợp lý, trọn vẹn.
(Còn nữa)
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/hang-ty-co-phieu-do-bo-thi-truong-bai-1-ngan-hang-chung-khoan-bat-dong-san-dau-bang-20240520162715417.htm