Hàng triệu cử tri của quốc gia liên lục địa Á-Âu đang hướng tới các phòng phiếu để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội, mà giới quan sát cho rằng sẽ là phép thử khó khăn nhất đối với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sau 20 năm cầm quyền.
Các điểm bỏ phiếu trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu mở cửa từ lúc 8h sáng giờ địa phương (12h trưa giờ Việt Nam) ngày 14/5, và sẽ đóng cửa lúc 5h chiều cùng ngày (tức 9h tối giờ Việt Nam).
Theo Ủy ban Bầu cử Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (YSK), tổng cộng 191.885 hòm phiếu được thiết lập tại 973 quận và 1.094 ủy ban bầu cử quận trên cả nước để bầu Tổng thống và 600 thành viên của Đại hội đồng (Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ) cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.
Hơn 64,1 triệu cử tri sẽ bỏ phiếu ở cả trong nước và nước ngoài, trong đó khoảng 4,9 triệu người sẽ bỏ phiếu lần đầu. Số cử tri bỏ phiếu trong tù là 53.172.
Trong cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chọn giữa ông Erdogan – lãnh đạo Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, ông Kemal Kilicdaroglu – lãnh đạo Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập và ông Sinan Ogan của Liên minh ATA. Ông Muharrem Ince, một ứng cử viên Tổng thống khác, hôm 11/5 đã bất ngờ rút khỏi cuộc đua.
Một ứng cử viên cần hơn một nửa số phiếu bầu Tổng thống để giành chiến thắng. Tuy nhiên, nếu không ai đạt được mốc 50%, 2 ứng cử viên hàng đầu sẽ đối đầu trong một cuộc bỏ phiếu vòng hai (vòng nước rút runoff) diễn ra 2 tuần sau ngày tổng tuyển cử chính thức.
Ông Recep Tayyip Erdogan, 69 tuổi, là đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã cầm quyền 20 năm nay, đầu tiên là với tư cách Thủ tướng (giai đoạn 2003-2014), sau đó là Tổng thống.
Hiện ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 liên tiếp. Đây có thể là cuộc bầu cử thách thức nhất mà ông Erdogan từng gặp phải trong sự nghiệp chính trị của mình khi phe đối lập đoàn kết đằng sau ứng cử viên Kemal Kilicdaroglu.
Ông Kilicdaroglu, 74 tuổi, đã lãnh đạo Đảng CHP đối lập trong hơn một thập kỷ. Trước khi dấn thân vào chính trường, ông làm việc tại Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó đứng đầu ngành bảo hiểm xã hội trong suốt những năm 1990.
Ông cũng từng 3 lần đối đầu với ông Erdogan nhưng đều thua. Lần này, ông Kilicdaroglu được liên minh gồm 6 đảng đối lập chỉ định làm ứng cử viên chạy đua chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và đang bám đuổit sít sao với ông Erdogan trong các cuộc thăm dò ngay sát ngày tổng tuyển cử.
Nếu ông Erdogan giành chiến thắng, chắc chắn ông ấy sẽ tăng gấp đôi các chương trình nghị sự đối nội và đối ngoại của mình, đặc biệt là đối với Nga, châu Âu và Mỹ. Ông sẽ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận hỗn hợp đối với các cường quốc bằng cách cân bằng lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây và Nga. Ông Erdogan sẽ duy trì tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO đồng thời tăng cường quan hệ thương mại và địa chính trị với Nga.
Mặt khác, nếu ông Kilicdaroglu giành chiến thắng, ông có thể có xu hướng đảo ngược một số chính sách kinh tế và chính trị trong nước của người tiền nhiệm và hủy bỏ một số biện pháp phi tự do được ban hành kể từ cuộc chính biến thất bại năm 2016.
Nhưng xét theo hồ sơ lịch sử, các nhà lãnh đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi khác có xu hướng giữ các quyền hành pháp và đặc quyền mà họ thừa hưởng từ những người tiền nhiệm. Phép thử đối với ông Kilicdaroglu có thể là sự sẵn sàng và khả năng của ông để đảo ngược các cải cách hiến pháp của ông Erdogan và đưa hệ thống nghị viện trở lại.
Ông Kilicdaroglu, người thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, đã quá tập trung vào các vấn đề trong nước và nền kinh tế đang sa sút. Nếu đắc cử, ông có khả năng sẽ làm dịu đi giọng điệu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các đối tác phương Tây và NATO, đồng thời loại bỏ quyền phủ quyết của nước này đối với tư cách thành viên của Thụy Điển trong liên minh quân sự.
Ngoài ông Erdogan và ông Kilicdaroglu, còn có một ứng viên nữa đang tranh cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, là ông Sinan Ogan. Ông Ogan, 55 tuổi, là đại diện cho Liên minh ATA theo chủ nghĩa dân tộc.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, Anadolu Agency)