Nhiều dự án đóng giỏ hàng
Theo thống kê từ số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương (có 17/63 tỉnh) cũng cho thấy, lượng tồn kho bất động sản trong quý II năm 2023 vào khoảng 16.688 căn bao gồm các sản phẩm như chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền).
Trong số đó, chung cư khoảng 1.714 căn, nhà ở riêng lẻ 7.473 căn và đất nền 7.501 sản phẩm. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu vẫn tập trung ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng nhận định, trong quý II/2023, mặc dù đã có rất nhiều tín hiệu tích cực hỗ trợ cho thị trường bất động sản phục hồi như cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng… nhưng nhiều dự án vẫn còn gặp vướng mắc về pháp lý và các vấn đề liên quan đến vốn tín dụng, trái phiếu.
Qua tìm hiểu, thị trường bất động sản hồi phục vẫn chưa rõ nét dù nhiều chủ đầu tư đã chịu đưa ra những chính sách chiết khấu hấp dẫn với kỳ vọng phục hồi thanh khoản. Tuy nhiên, lượng giao dịch trong tháng 7 vừa qua vẫn chưa cao, đặc biệt là trong một số loại hình sản phẩm nghỉ dưỡng.
Cũng theo báo cáo mới đây về thị trường bất động sản của một số đơn vị nghiên cứu, tại các thủ phủ du lịch miền duyên hải cả nước có gần 30.000 căn shophouse, nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng tồn đọng, giá hàng chục tỷ đồng một căn.
Riêng với biệt thự biệt, lượng tồn kho lũy tiến đến cuối quý II lên đến 15.000 căn cả hai miền Bắc và Nam. Trong đó, 2.400 căn đã mở bán nhưng thanh khoản thấp và khoảng 12.600 căn thuộc giai đoạn tiếp theo của các dự án còn lưu kho, vướng giai đoạn bất động sản đóng băng nên chưa kịp tung ra thị trường.
Ở phân khúc nhà phố, shophouse biển, tồn kho đến cuối tháng 6 cũng vào khoảng gần 15.000 căn. Có gần 2.500 căn đã mở bán nhưng không có giao dịch và khoảng 12.400 căn thuộc các dự án đã công bố ra thị trường nhưng nằm chờ, chưa thể tung ra khi địa ốc khủng hoảng.
Từ số liệu bán hàng cho thấy, trong quý II/2023, chỉ 33 căn shophouse được bán trong quý II/2023 giảm 97% so với cùng kỳ, 50 căn biệt thự được bán giảm 50% so với cùng kỳ. Đáng nói, lượng giao dịch này chỉ tập trung ở một số dự án nổi trội với vị trí thuận lợi.
Lượng giao dịch nói trên đã khiến nhiều người thất vọng bởi trước đó, nhiều chủ đầu tư đưa ra các ưu đãi vô cùng hấp dẫn như cam kết thuê lại, mua lại hay thậm chí nâng mức chiết khấu lên đến 40-50% khi thanh toán nhanh nhằm nhanh chóng thu hồi vốn cũng như giúp tăng thanh khoản.
Thanh khoản thấp khiến hàng tồn kho của một số dự án lên tới hơn 90% sản phẩm, là gánh nặng rất lớn cho chủ đầu tư vì phát sinh chi phí tài chính là vốn vay để phát triển các dự án. Nhiều dự án đã phải đóng bảng hàng để tiết kiệm chi phí, điều chỉnh chính sách và mức giá, chờ thị trường hồi phục.
Doanh nghiệp bất động sản đang khó cầm cự
Theo số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng qua, bất động sản có 2.622 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm tới 56,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản giải thể trong 7 tháng qua là 756 doanh nghiệp, cũng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc quý II/2023, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cũng cho biết, nhiều các doanh nghiệp bất động sản phản ánh gặp khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý; trong đó, phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động…
Dữ liệu khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam với các hội viên là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản cũng cho thấy, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới, có thể sẽ có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023 và chỉ khoảng 43% trụ được đến hết năm 2023.
Những số liệu nói trên cũng phản ánh đúng tình hình của thị trường hiện nay. Sau khi trải qua giai đoạn đỉnh cao, “tăng nóng” số lượng doanh nghiệp, thị trường đang thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém về tài chính cũng như khả năng vận hành.
Mặc dù trong thời gian qua, Chính phủ đã liên tục gỡ vướng, tạo hành lang pháp lý giúp thị trường hồi phục. Đơn cử như việc ra Nghị định 10 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013, để tìm đường thoát cho condotel – một loại hình có lượng hàng tồn lớn hiện nay. Nhưng dường như những “lối thoát” đó chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.