Sau sự cố sập cầu Phong Châu không chỉ khiến việc di chuyển của người dân đến nơi làm việc xa hơn gấp hàng chục lần, việc thông thương hàng hóa giữa 2 huyện bị ảnh hưởng mà còn khiến việc học tập của học sinh gặp không ít trở ngại.
419 học sinh bị ảnh hưởng
Thống kê từ Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ, sơ bộ, có 419 học sinh thuộc các Trường THPT: Hưng Hóa, Mỹ Văn, Tam Nông (huyện Tam Nông); Long Châu Sa, Lâm Thao (huyện Lâm Thao); Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tam Nông, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lâm Thao bị ảnh hưởng trong việc đi học do sự cố sập cầu Phong Châu.
Nhằm tạo điều kiện cho hơn 400 học sinh này được học tập thuận lợi trong thời gian khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu, Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ yêu cầu Phòng GD-ĐT Lâm Thao, Tam Nông, Cẩm Khê chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn rà soát, nắm bắt số trẻ em, học sinh đi học hằng ngày qua các cầu Phong Châu, Tứ Mỹ.
Theo đó, 52 học sinh đang học ở các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lâm Thao sẽ được gửi học tạm thời tại các trường của huyện Tam Nông.
Còn 367 học sinh đang học ở trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX Tam Nông sẽ tạm thời học tại các trường của huyện Lâm Thao.
Sở GD&ĐT Phú Thọ cũng yêu cầu sau khi có cầu tạm thay thế cầu Phong Châu và thông xe cầu Trung Hà, Tứ Mỹ các cơ sở giáo dục bàn giao học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh học tạm về trường cũ.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, dạy bù, bồi dưỡng củng cố kiến thức cho học sinh của đơn vị sau thời gian học tạm…
Ổn định tình hình học tập của học sinh
Trao đổi với Báo PNVN, bà Bùi Thị Thanh Hà (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tam Nông) nhấn mạnh, sự cố sập cầu Phong Châu gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập của các em học sinh tại trường.
Bà Hà nói thêm, Trường THPT Tam Nông có tổng 1.100 học sinh. Trong đó có đến 430 em đang sinh sống trên địa bàn huyện Lâm Thao. Sau khi cầu Phong Châu sập, việc di chuyển đến trường khó khăn nên có hơn 200 em đang học tại trường đăng ký để xin học tập tại các trường bên huyện Lâm Thao. Tuy nhiên, số lượng học sinh này sau đó giảm dần.
Thống kê đến ngày 19/9, có 170 học sinh Trường THPT Tam Nông đang phải học gửi tại Trường THPT Long Châu Sa của huyện Lâm Thao. Trong đó, có 117 em học sinh khối 10; 40 em khối 11 và 13 em khối 12. Tất cả các học sinh này đều sinh sống trên địa bàn huyện Lâm Thao nhưng học tập tại Trường THPT Tam Nông.
Về chiều ngược lại, phía Trường THPT Tam Nông cũng tiếp nhận 27 em học sinh (10 em khối 10; 5 em khối 11 và 12 em khối 12) từ các Trường THPT Lâm Thao (26 em) và Trường THPT Hiền Đa (1 em).
“Sáng 9/9, khi học sinh đang học tiết 3 thì nghe được thông tin sự cố sập cầu Phong Châu. Ngay lập tức, nhà trường đã họp giáo viên và thống nhất phương án trưa ngày hôm đó sẽ giữ toàn bộ 430 học sinh ở lại, nghỉ trưa tại trường, nhà trường sẽ mua cơm cho các em ăn, trừ những trường hợp phụ huynh học sinh đến đón trực tiếp.
Sau khi thống nhất, có 3 phương án được các phụ huynh học sinh sinh sống tại Lâm Thao lựa chọn đó là các em sẽ di chuyển qua lại giữa 2 huyện bằng xe ô tô đưa đón miễn phí học sinh; trọ lại tại chính nhà bạn bè trong lớp và trọ tại nhà những người dân cho trọ miễn phí gần đó”, bà Hà thông tin.
Những ngày đầu tiên, đa số các em học sinh đều lựa chọn phương án trọ lại tại chính nhà bạn bè của mình. Bà Hà nói rằng, có những lớp có 45 học sinh nhưng có đến 30 học sinh sinh sống tại huyện Lâm Thao. Tuy nhiên, trước sự cố bất ngờ, các em học sinh này đều chia nhau đến ở nhà 15 bạn còn lại ở huyện Tam Nông để tiện việc học tập.
Những ngày sau đó, khi tinh thần phụ huynh cũng như học sinh đã ổn định, nhiều phụ huynh lựa chọn phương án cho con em đi về qua lại bằng xe chở miễn phí. Với những trường hợp các em bị say xe, không thể đi ô tô, buộc lòng phải trọ lại tại nhà bạn, nhà người thân hoặc những người dân cho ở trọ miễn phí.
“Giữa các trường cũng tạo điều kiện để cố gắng giảm thiểu tối đa các thủ tục gửi học sinh để giúp các em sớm ổn định tình hình học tập. Sau những ngày đầu, hiện tại, 2 trường vẫn thường xuyên cập nhật về số lượng, tình hình học sinh.
Trường THPT Long Châu Sa thường xuyên điểm danh học sinh, thiếu vắng học sinh nào sẽ báo về bên Trường THPT Tam Nông. Thầy cô bên Tam Nông sẽ có trách nhiệm báo cho giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu nguyên nhân vì sao”, bà Hà chia sẻ và thông tin thêm, thời gian vừa qua, cơ bản học sinh đều đi học đầy đủ và không có vấn đề gì phát sinh.
Bên cạnh những thuận lợi đó, Phó hiệu trưởng Trường THPT huyện Tam Nông cho rằng, việc học gửi sẽ khiến sĩ số học sinh tăng lên đột biến dẫn đến nhiều khó khăn trong việc dạy và học. Vị này dẫn ví dụ, Trường THPT Long Châu Sa tiếp nhận số lượng học sinh học gửi là 117 học sinh khối 10 nhưng không thể mở lớp mới nên những học sinh này buộc phải học ghép vào những lớp có sẵn. Số lượng học sinh nhiều nên gây khó khăn cho việc học tập của học sinh cũng như khó khăn trong kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh.
Đổi giáo viên giữa các trường
Trước những khó khăn hiện hữu, bà Hà cho rằng, ngoài việc trao đổi học sinh, giữa các trường còn thực hiện cả việc trao đổi giáo viên để giảm thiểu quãng đường di chuyển. “Trường THPT Tam Nông có 11 thầy cô sinh sống ở huyện Lâm Thao. Hiện có 2 thầy cô đang được tăng cường giảng dạy bên Trường THPT Long Châu Sa. Những thầy cô giáo này vừa có nhiệm vụ giảng dạy đồng thời cũng kiêm nhiệm vụ quản lý các em học sinh nhà trường gửi nhờ học tập bên đó. Trong khi đó, có những trường hợp thầy cô nhà ở Lâm Thao nhưng nhà ngoại ở bên Tam Nông hoặc anh em ở Tam Nông thì các thầy cô ở lại tại nhà người thân đó và tiếp tục dạy ở Tam Nông”, bà Hà chia sẻ.
Với những học sinh lớp 12, việc thay đổi môi trường học, thầy cô, bạn bè có thể gây ảnh hưởng đến tinh thần học tập năm cuối cấp, bà Hà nói rằng điều này là có do hiện tại các em chỉ học các môn bắt buộc còn những môn tự chọn đang tạm thời dừng. Tuy nhiên, bà Hà cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, khi việc đi lại được khắc phục, nhà trường sẽ tập trung đến việc ôn luyện kiến thức cho các em.
Với các học sinh thuê trọ, Trường THPT Tam Nông cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm báo cáo số lượng, tên tuổi, quê quán, số liên hệ người thân những bạn đang ở trọ, trọ theo loại hình nào và đều nắm được để quản lý học sinh.
Cầu Phong Châu được xây dựng và khai thác năm 1995, nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ, lưu lượng xe qua lại hàng ngày rất đông.
Theo thông tin từ Sở GTVT tỉnh Phú Thọ, khoảng 10h ngày 9/9, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết làm sập 2 nhịp cầu.
Qua trích xuất camera, nhà chức trách bước đầu xác định có 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người dân mất tích.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/hang-tram-hoc-sinh-phai-hoc-nho-sau-su-co-sap-cau-phong-chau-20240921092323634.htm